Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp lực vô hình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Ngoài những căng thẳng dồn nén về áp lực công việc và thành tích, nhiều khi còn là xích mích giữa đồng nghiệp.

KTĐT - Cô Thái Vượng - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, Gò Vấp, TPHCM, phân tích: “Ngoài những căng thẳng dồn nén về áp lực công việc và thành tích, nhiều khi còn là xích mích giữa đồng nghiệp. Ví dụ, chuyện cô giáo này ghét cô kia nên ghét luôn cả lớp cô kia chủ nhiệm, hay những mâu thuẫn với phụ huynh học sinh.

Gần đây, liên tục xuất hiện chuyện giáo viên trừng phạt học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau, gây tổn thương đến tinh thần, thể lực, các em. Một trong những nguyên nhân là thầy, trò thiếu kỹ năng sống và người đứng lớp phải chịu nhiều áp lực.

Cần nghiên cứu về tâm lý trẻ

Một đặc điểm chung dễ nhận thấy: đa số học sinh bị thầy cô trách phạt đều là cá biệt. Khi chúng tôi tiếp xúc với các giáo viên lỡ bạo hành học sinh, hầu hết họ đều tâm sự một cách đau đớn rằng: “Tôi đã bất lực trong việc giáo dục các em”.

Cô N., giáo viên môn hóa ở quận Bình Thạnh, TPHCM phân tích: “Các em ngổ ngáo, người lớn nói không biết nghe. Nhiều em ở nhà được nuông chiều nên khi vô trường không coi thầy cô ra gì, xấc xược, hỗn láo. Có em còn thách tôi: cô cứ đuổi học em đi, mẹ em sẽ xin em sang trường khác xịn hơn”.

Nghiên cứu của bà Nguyễn Thị Thương - Giám đốc Trung tâm tư vấn FDC - cho thấy: “Sự phát triển của trẻ em ngày nay rất đa dạng và phức tạp. Các em được tiếp nhận thông tin đa chiều, môi trường gia đình và xã hội có nhiều biến động. Tâm lý muốn khẳng định mình mạnh mẽ hơn để làm nổi “cái tôi” trong các em thường trực hơn. Quản lý giáo dục, dạy dỗ học sinh ngày nay khó khăn hơn xưa rất nhiều”.

Trong khi đó, năng lực sư phạm của giáo viên, công tác quản lý của nhà trường vẫn còn nhiều bất cập.

Tiến sĩ Đinh Phương Duy đề nghị: “Cần có những nghiên cứu mới hơn về tâm lý trẻ, bổ sung vào tài liệu giảng dạy tâm lý sư phạm cho giáo sinh”.

Trên thực tế, rất ít những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về tâm lý sư phạm cho giáo viên, trong khi nhu cầu được cập nhật về tâm lý học sinh, kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm… ngày càng cao.

Những áp lực vô hình

Theo cô D.T.T., giáo viên dạy kỹ năng sống tại một trường THPT thuộc quận Tân Bình, TP.HCM: “Học sinh ngày nay thiếu kỹ năng sống cơ bản như chăm sóc bản thân, bảo vệ mình, ứng xử khi gặp những trường hợp có thể nguy hiểm đến tính mạng”.


Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, cũng xác nhận: “Tính chủ động của học sinh chưa cao, các em chưa có kỹ năng tự bảo vệ mình nên mới có chuyện giáo viên không cho đi vệ sinh, học sinh nhịn đến mức đi bệnh viện. Thầy bắt thụt dầu 100 cái, biết quá sức nhưng vẫn cố gắng làm”.

Một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM kể: “Ở Phần Lan, một lớp học bậc tiểu học chỉ có 20 - 25 học sinh với hai giáo viên trình độ thạc sĩ phụ trách. Lương giáo viên bên đó thuộc hàng top nên điểm chuẩn vào trường sư phạm cũng cao nhất so với các trường đại học khác. Chưa hết, ở Pháp, đợt vừa rồi đã có một nhóm giáo viên đình công vì nhà trường bố trí lớp học có đến 27 học sinh - cao hơn hai học sinh so với quy định”.


Trong khi đó, trên địa bàn TP.HCM hiện nay, nhiều giáo viên đang phải giảng dạy với những lớp học 58 - 62 học sinh. Thời gian làm việc 10 - 12 tiếng mỗi ngày, lương thì quá thấp.


Ngoài giờ dạy trên lớp, họ phải soạn giáo án, làm hồ sơ, sổ sách, lên chuyên đề, đi học bồi dưỡng...


Nói như ông Lê Ngọc Điệp - trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM: “Xã hội ngày càng tiến bộ, đòi hỏi nhà giáo phải luôn trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, dịu dàng và yêu thương học sinh nhưng xã hội lại ít quan tâm đến đời sống giáo viên. Lương của họ có đủ sống không, họ phải vất vả như thế nào, cuộc sống hằng ngày thiếu thốn ra sao - rất ít người biết đến”.


Cô Thái Vượng - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, Gò Vấp, TPHCM, phân tích: “Ngoài những căng thẳng dồn nén về áp lực công việc và thành tích, nhiều khi còn là xích mích giữa đồng nghiệp. Ví dụ, chuyện cô giáo này ghét cô kia nên ghét luôn cả lớp cô kia chủ nhiệm, hay những mâu thuẫn với phụ huynh học sinh.


Mặt khác, áp lực về tiêu chí đánh giá giáo viên dựa vào hiệu suất đào tạo, rồi chương trình nặng trong khi giáo viên chưa biết vận dụng các phương pháp đổi mới cũng gây căng thẳng khi lên lớp. Tuy nhiên, với từng tình huống cụ thể, giáo viên cần có những ứng xử vừa phải, hợp lý nhất, tập cho mình khả năng kiềm chế và không mang những bức xúc từ ngoài vào lớp học”.


Trong một hội thảo mới đây về bạo hành học sinh, nhà nghiên cứu Nguyễn Minh An - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đúc kết: “Việc quá tải của chương trình học, quá đông học sinh trong một lớp, các chỉ tiêu thi đua của ngành giáo dục, sự đòi hỏi đáp ứng cuộc sống gia đình trong khi đồng lương hạn chế,…đã tạo ra áp lực rất lớn đối với giáo viên. Đôi khi, họ không kiềm chế được, nhất là khi học sinh mắc phải lỗi lầm. Những tức giận, bực bội của cuộc sống thường ngày đã bị đổ hết lên học sinh”.

Áp lực dồn lên người thầy


“Chuyện xảy ra vào tiết toán ngày 24 - 11 - 2009, thấy học sinh cứ ngồi đùa giỡn với nhau, tôi đã nhắc nhở nhiều lần rằng: Tí nữa thầy cho làm bài mà không làm được là bị đòn đó. Sau khi giảng bài trên bảng xong, tôi xóa bảng và cho học sinh làm lại bài toán giống y chang bài mình vừa giảng, vậy mà gần mười em làm sai. Bực mình vì học sinh trình bày bài toán không đúng ý mình, thậm chí có em còn viết sai cả đề bài, tôi đã lấy thước đánh vào tay các em” - giọng buồn buồn, thầy P., giáo viên một trường tiểu học thuộc quận Thủ Đức, TP.HCM, tâm sự.


“Không kiềm chế được”


Lớp thầy P. phụ trách có đến 12/40 học sinh thuộc dạng hay nghịch và làm ồn trong giờ học, khả năng tiếp thu bài rất yếu, lại mất căn bản. Một nét đặc trưng dễ thấy ở lớp này: khi thầy đang giảng bài đột nhiên im lặng, ngay lập tức học sinh cũng im lặng theo không dám đùa giỡn nữa. Nhưng chỉ cần giáo viên quay lên viết bảng là cả lớp xôn xao, ồn ào như một cái chợ, mạnh ai nấy làm việc riêng.


Thầy P. thú nhận: “23 năm đứng lớp, tôi gặp nhiều tình huống bực mình, nói mãi mà học sinh không nghe. Những lúc ấy, tôi trút giận bằng cách gõ tay thật mạnh xuống bàn hoặc bỏ ra ngoài chờ cơn giận hạ xuống. Ngày 24 - 11, tôi nôn nóng bởi thi cử sắp tới mà các em không chú tâm học hành. Thế nên, tôi không thể kiềm chế được...”.


Trước đó, câu chuyện một thầy giáo bị kỷ luật vì đánh học sinh lớp bốn bầm mông ở Trường tiểu học PVH (quận 11, TPHCM) cũng để lại nhiều băn khoăn.


Theo đồng nghiệp, thầy D. là người thầy hiền lành, điềm đạm, rất hiếm khi to tiếng với học trò. Hơn 20 năm kinh nghiệm, vậy mà một phút thiếu kiềm chế đã khiến thầy có hành động bột phát với học trò.


Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết học sinh bị đánh xếp vào hạng cá biệt. Thầy D. thường giữ em lại vào cuối giờ để kèm cặp, phụ đạo thêm. Nhưng sau một tháng, khi kiểm tra vở, học sinh này vẫn không chịu chép bài, làm bài tập. Phụ huynh không những không hợp tác với giáo viên mà nhiều lần còn bênh vực con. Trong một tiết học bình thường, người thầy mất kiểm soát và đánh học trò...


Một giáo viên thể dục tại Trường tiểu học KĐ (quận Gò Vấp, TPHCM) cách đây vài năm cũng bị buộc thôi việc vì hành vi đánh, bắt học trò hít đất. Nhiều học sinh mệt xỉu ngay trong giờ thể dục.


Người thầy giải thích: “Muốn răn đe học sinh để các em nghiêm túc trong giờ học”. Cũng là lý do “vì học sinh”, nhưng cách răn đe của người thầy này dường như đã vượt quá giới hạn của ứng xử sư phạm thông thường.


Gánh nặng của người thầy


Để xây dựng mô hình trường chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) đã phải chịu một áp lực nặng nề chưa từng có: không được để học sinh đạt điểm thấp. Nếu kết quả học tập của một lớp thấp dưới mức cho phép, giáo viên sẽ bị cắt lớp. Bên cạnh đó, kết quả học tập của học sinh còn là “gánh nặng ngàn cân” khi giáo viên đối mặt với phụ huynh.


Bỏ ra một số tiền cao hơn gấp nhiều lần so với học phí trường THPT công lập bình thường, phụ huynh Trường Lê Quý Đôn có quyền đòi hỏi con em họ phải tiến bộ, phải học giỏi, có đủ khả năng thi đậu đại học hoặc du học ở nước ngoài.


Chỉ riêng nội dung của môn toán (chương trình THPT phân ban) nặng gấp ba lần so với chương trình cũ. Như thế, thử hỏi người thầy sẽ phải chịu bao nhiêu áp lực khi lên lớp?


Không chỉ bậc THPT, bậc THCS, tiểu học cũng đã bị “kêu” từ rất lâu rằng chương trình quá nặng, giáo viên phải làm quá nhiều việc (ngoài giảng dạy) như: soạn giáo án, làm hồ sơ, sổ sách, lên chuyên đề, đi học bồi dưỡng...


Mặc dù hiện tại ngành giáo dục đã đổi mới phương pháp đánh giá giáo viên, nhưng 70% kết quả đánh giá vẫn phụ thuộc kết quả học tập của học sinh. Yếu tố này đã tạo thành một gánh nặng vô hình chi phối đến cách cư xử của nhà giáo đối với học trò.

Một giáo viên môn sử ở quận 11, TPHCM, than: “Nếu ai từng làm nghề dạy học sẽ luôn có cảm giác khó chịu khi mình đang khản cổ truyền đạt kiến thức mà nhìn xuống lớp thấy học sinh vô tư nói chuyện. Bực nhất là không khí ồn ào như một cái chợ của những lớp có sĩ số đông. Phòng ốc chật chội, thời tiết nóng nực, trong người mệt mỏi triền miên với hàng tá việc trường, việc nhà, gặp học sinh không học bài, không chép bài hoặc không nghe giảng thì khó mà dịu dàng được ...”.