Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News phát sóng hôm thứ 5 tuần trước, bà Hillary cho biết, việc Mỹ can thiệp vào Iraq năm 2003 là một thảm họa. Đồng thời nhấn mạnh quyết định ủng hộ can thiệp vào Iraq khi còn làm Thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Quận bị Thượng viện là điều hối tiếc nhất trong sự nghiệp của mình.
Bà Hillary bày tỏ sự hối tiếc vì ủng hộ can thiệp vào Iraq khi còn là Thượng nghị sĩ.
|
Sự sa lầy của quân đội Mỹ tại Iraq là điều khiến người dân nước này bất mãn với chính phủ tiền nhiệm nên tuyên bố của bà Clinton - người đang cố gắng trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ được cho là nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri. Tuy nhiên, các chính trị gia Ả Rập đã thể hiện sự không hài lòng với tuyên bố này.
Ông Mohamed Sobeih - Trợ lý Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập chỉ trích, tuyên bố của bà Clinton chỉ nhằm phục vụ mục tiêu tranh cử cá nhân. Đồng thời đặt ra câu hỏi, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, bồi thường cho những người dân Iraq đã thiệt mạng, các di tích lịch sử bị phá hủy, những người phải từ bỏ quê hương và sống cuộc đời tị nạn khốn khó.
Lý do can thiệp vào Iraq vì kho vũ khí hóa học của cựu Tổng thống Saddam Hussein và mối quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda sau nhiều năm đã được khẳng định là sự "lừa dối" của chính quyền Washington với cộng đồng quốc tế và chính người dân Mỹ. Trên thực tế, ngay cả các nhà bình luận của Mỹ cũng cho rằng, động thái can thiệp vào Iraq chỉ là bước đi nhằm thúc đẩy mục tiêu "chia để trị" các quốc gia Trung Đông. Tình hình bất ổn và xung đột tại Iraq, Syria, Libya và các quốc gia Ả Rập khắc cho thấy nhận định này hoàn toàn là có cơ sở. Sự nghi ngại về việc Washington thay đổi chiến lược tại Trung Đông và chỉ hậu thuẫn Israel là lý do khiến các quốc gia từng một thời là đồng minh thân cận với Mỹ bất bình.
13 năm sau khi Mỹ can thiệp vào Iraq, quốc gia này vẫn đang chìm trong bất ổn.
|
Ngay trong nội bộ nước Mỹ đang tồn tại một thế hệ phải chịu đựng những mất mát từ sau cuộc chiến tại Iraq và nhận thức về những sai lầm của chính quyền đối với sự can thiệp vào tình hình Trung Đông đã trở nên sâu sắc hơn.
Nhiều quốc gia Ả Rập và ngay trong lòng nước Mỹ đã nổi lên không ít ý kiến cho rằng, chính sự hiện diện của quân đội nước này ở Iraq là một trong những yếu tố dẫn đến sự hình thành của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thực tế, IS ra đời vào năm 2004 - đúng 1 năm sau khi Washington quyết định đưa quân đến Iraq.
Cuộc chiến tại Iraq cũng khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt với sự suy thoái và việc bà Hillary lựa chọn cách lên án quyết định can thiệp vào Iraq để nhận được cái gật đầu của cử tri là hoàn toàn dễ hiểu. Chỉ có điều, 13 năm sau cuộc chiến tại Iraq, bom vẫn nổ, súng vẫn rền vang tại đây cho thấy, nước Mỹ vẫn chưa thể thoát được "vũng bùn Trung Đông", nên dù ai là chủ nhân mới của Nhà Trắng cũng đều phải tìm cách để thoát khỏi tình thế thảm họa này.