Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 11/1 cho biết Warsaw sẽ chuyển giao xe tăng do Đức sản xuất cho Ukraine.
Phát biểu trong chuyến thăm thành phố Lviv, phía tây Ukraine hôm thứ Tư, Tổng thống Duda tuyên bố "một đại đội xe tăng Leopard sẽ được chuyển cho Ukraine". Ông hy vọng xe tăng từ Ba Lan và các nước khác sẽ sớm tới Ukraine.
Tuyên bố của ông Duda được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Warsaw đang "xem xét" việc bàn giao một số xe tăng Leopard 2 cho nước láng giềng.
Ba Lan hiện vận hành gần 250 chiếc Leopard thuộc nhiều mẫu khác nhau, chủ yếu được mua lại từ Đức. Theo các thỏa thuận hiện có, Berlin chấp thuận việc chuyển giao bất kỳ loại vũ khí nào do Đức sản xuất cho bên thứ ba.
Cùng ngày, người phát ngôn của Thủ tướng Anh, ông Max Blain lần đầu tiên xác nhận Chính phủ Anh có kế hoạch cung cấp xe tăng chủ lực cho Ukraine để đối phó với Nga.
Theo hãng tin AP, ông Blain nói rằng Thủ tướng Rishi Sunak đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace “làm việc với các đối tác” trong những tuần tới để “gia tăng sự hỗ trợ của chúng ta dành cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp xe tăng”.
Nếu như chính phủ Anh đồng ý cung cấp xe tăng Challenger 2 của quân đội nước này cho Ukraine, đây sẽ là lần đầu tiên một quốc gia phương Tây cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng hiện đại cho Ukraine.
Pháp, Mỹ và Đức cũng cam kết cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Xe tăng chiến đấu chủ lực là loại vũ khí mà Kiev đang rất cần. Đến nay, Berlin đã đồng ý cung cấp cho Kiev 40 xe chiến đấu bộ binh Marder và một tổ hợp phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.
Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nga, Mỹ và các đồng minh đã cung cấp vũ khí, thiết bị và đạn dược trị giá gần 100 tỷ USD cho Ukraine trong năm 2022.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov nói với tờ Politico rằng việc Kiev được hỗ trợ xe tăng Leopard sẽ thúc đẩy Mỹ sớm chuyển giao xe tăng chủ lực của nước này cho Ukraine. Tuần trước, ông Reznikov nói Ukraine đang thực hiện sứ mệnh của NATO mà không làm liên minh phải đổ máu, vì vậy phương Tây có trách nhiệm cung cấp vũ khí cho Kiev.
Quyết định viện trợ vũ khí hạng nặng gần như cùng lúc của Pháp, Mỹ, Anh và Đức đã thể hiện sự ủng hộ cho Ukraine trước những diễn biến của chiến trường miền Đông Ukraine trong những tháng tiếp theo. Điều đó cũng gửi đi tín hiệu tới Nga rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ không sớm diễn ra.
Nga nhiều lần tuyên bố phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ kéo dài xung đột. Nga cũng cảnh báo các quốc gia ủng hộ Ukraine rằng động thái cung cấp vũ khí có thể dẫn đến đối đầu quân sự toàn diện giữa Nga và NATO.