Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ sẽ huấn luyện tên lửa Patriot cho Ukraine, Nga có để yên?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Moscow cho rằng sự hiện diện của các cường quốc ở Ukraine là cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và NATO, mà trên hết là Mỹ và Anh.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: Tass
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: Tass

Ngày 10/1, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, việc Mỹ lên kế hoạch huấn luyện lực lượng quân đội Ukraine "là xác nhận sự tham gia thực tế của Washington vào cuộc xung đột ở Ukraine".

Ông lên tiếng ngay sau khi trợ lý báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho hay Mỹ sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine cách sử dụng và bảo dưỡng hệ thống phòng không Patriot tại Căn cứ quân sự Fort Sill ở bang Oklahoma từ tuần tới. Dự kiến Mỹ sẽ huấn luyện khoảng 90-100 binh sĩ Ukraine trong vài tháng. 

Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến bậc nhất hiện nay. 

Theo Đại sứ Antonov, mục đích thực sự của Mỹ là "gây thiệt hại nhiều nhất có thể cho lực lượng Nga trên chiến trường bằng bàn tay của người Ukraine".

Cùng ngày, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev khẳng định, các sự kiện ở Ukraine không phải là cuộc đụng độ giữa Moscow và Kiev, mà là cuộc đối đầu quân sự giữa Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà trên hết là Anh và Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cũng nhận định, "tiềm năng và khả năng quân sự của gần như tất cả các thành viên NATO hiện đang được sử dụng một cách chủ động" để chống lại Nga. 

Mỹ đã cam kết cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine. Ảnh: AP
Mỹ đã cam kết cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine. Ảnh: AP

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21/12/2022 tuyên bố nước này sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, thuộc gói viện trợ 1,85 tỷ USD cho Ukraine. Theo đó, Mỹ sẽ chi 1 tỷ USD để cung cấp cho Ukraine "năng lực phòng không và tấn công chính xác tăng cường" và 850 triệu USD hỗ trợ an ninh. Quyết định gửi hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine của chính quyền Tổng thống Joe Biden được đưa ra bất chấp những cảnh báo từ Nga.

Moscow cho rằng việc Washington cung cấp dàn tên lửa đất đối không tiên tiến như vậy sẽ là bước đi mang tính khiêu khích, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng động thái này kéo dài cuộc xung đột. Ông tuyên bố Nga sẽ phá hủy các hệ thống phòng không Patriot nếu Mỹ cung cấp chúng cho Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, theo hãng tin Tass, Ukraine đã nhận được 48,5 tỷ USD hỗ trợ quân sự của phương Tây kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự. Con số này trên thực tế gần bằng ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2022 (51,1 tỷ USD).

Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, chính quyền Kiev nhận được 150,8 tỷ USD hỗ trợ từ các nước phương Tây và tổ chức quốc tế.