Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Ba Vì đã tích cực cho vay chương trình giải quyết việc làm nhằm hỗ trợ, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Minh và chồng là anh Đỗ Văn Dũng trú tại thông Vân Hội, xã Phong Vân là người được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư sản xuất kinh doanh. Trước đây, vợ chồng anh chị đi làm mộc thuê cho người khác, công việc lúc có lúc không nên thu nhập không được bao nhiêu. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 khiến anh chị phải nghỉ việc thời gian dài.
Nhiều đêm nằm suy nghĩ, nếu cả đời đi làm thuê thì cuộc sống gia đình không thể khá lên. Thế rồi, anh Dũng và chị Minh mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì 100 triệu đồng. Cùng với sự giúp đỡ của người thân, gia đình mở xưởng mộc sản xuất đồ dân dụng như giường, tủ, bàn ghế, cầu thang, cửa,…phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn và các vùng lân cận.
Việc mở xưởng mộc đã tạo việc làm ổn định cho vợ chồng anh Dũng chị Minh; khi đơn hàng ngày một nhiều lên, anh chị làm không kịp nên đã thuê thêm 3 người, thậm chí có lúc 5 – 7 người với mức lương 6 – 12 triệu đồng/người/tháng tùy theo vị trí công việc. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng từ 30 – 40 triệu đồng, đã trừ các khoản chi phí.
Chúng tôi đã gặp chị Phạm Thị Hồng Anh ở thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh và được chia sẻ: Gia đình có 3 sào đất ruộng để trồng rau nhưng thu nhập thấp do không áp dụng khoa học kỹ thuật, hơn nữa lại bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên năng suất thấp. Cộng với không có vốn nên cái nghèo cứ bám đuổi gia đình. Để thay đổi phương thức trồng trọt, chị Hồng Anh quyết định vay vốn từ Ngân hàng CSXH đầu tư sản suất dưa ăn quả công nghệ cao.
“Tôi được vay 100 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới tiêu, nhà lưới và dàn trồng dưa, mua dưa giống cho năng suất cao. Tôi nghĩ, với vốn vay lãi suất thấp, thời gian dài và không phải thế chấp tài sản mới giúp chúng tôi mạnh dạn đầu tư sản xuất và sẽ tạo ra thu nhập cao hơn” - chị Hồng Anh cho biết thêm.
Chị Minh, chị Hồng Anh chỉ là 2 trong số hàng nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì. 9 tháng đầu năm 2022, huyện Ba Vì có 3.007 người lao động được vay vốn tạo việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện với số tiền 169 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng số người lao động đang thụ hưởng chính sách vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện là 8.489 người với số tiền 423,206 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì Phùng Đăng Toàn cho biết, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, người lao động nông thôn trên địa bàn huyện có thêm nguồn động lực, ý chí quyết tâm tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Dự kiến có khoảng 500 hộ thoát khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo của TP Hà Nội từ nguồn vốn vay này.
Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, ban ngành của huyện rà soát đối tượng và kịp thời giải ngân nguồn vốn. Cùng với đó là kịp thời hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ duy trì sản xuất, phát triển kinh tế và làm giàu cho gia đình, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới…