Mặc dù các cuộc tấn công khủng bố và nổ súng hàng loạt rất hiếm khi xảy ra ở New Zealand, nhưng các cuộc tấn công vào 2 nhà thờ Hồi giáo ở TP Christchurch hôm 15/3 lại không phải là một sự hy hữu ở phương Tây - được nhận định là nơi mà sự bài trừ nhập cư đang chĩa thẳng vào người Hồi giáo.
Theo CNN, vụ việc tàn bạo ở New Zealand làm nổi bật 3 xu hướng cực đoan mới nổi ở phương Tây: Tấn công chống lại các mục tiêu Hồi giáo; sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để tạo hiệu ứng với đám đông của những kẻ khủng bố; và nhấn mạnh bạo lực với những nơi thờ cúng.
Vào ngày 29/1/2017, Alexandre Bissonnette, một kẻ cuồng tín bài Hồi giáo đã giết chết 6 người tại một nhà thờ Hồi giáo ở TP Quebec, Canada. Bissonnette, sau đó chịu mức án chung thân, đã khai với một điều tra viên rằng hắn ta thực hiện vụ tấn công sau khi đọc thấy các báo cáo của chính phủ rằng Canada sẽ chào đón nhiều người tị nạn hơn.
Chỉ 6 tháng sau, vào ngày 19/6/2017, tên khủng bố Darren Ostern đã cố tình lao xe tải vào một nhóm người theo Đạo Hồi gần Nhà thờ Finsbury Park, khiến 1 người thiệt mạng. Các công tố viên cho biết: "Darren Ostern đã lên kế hoạch và thực hiện cuộc tấn công này vì lòng căm thù Hồi giáo". Các báo cáo của cảnh sát cũng cho thấy Ostern đã trao đổi tin nhắn với các nhà lãnh đạo cực đoan và truy cập trang web đăng tải thuyết âm mưu của Mỹ InfoWars trong vài tuần trước khi thực hiện cuộc tấn công.
Vào ngày 5/8/2017, một quả bom đã nổ trong một nhà thờ Hồi giáo ở Bloomington, Minnesota, khi các tín đồ đang tụ tập để cầu nguyện nhưng may mắn thay đã không có thiệt hại về người. Đáng nói, 1 trong 3 nghi phạm nói với nhà chức trách rằng người này ném bom nhà thờ Hồi giáo để dọa người Hồi giáo sợ hãi mà "biến khỏi đất nước" và rằng "họ không được chào đón ở đây".
Và năm ngoái, 3 người đàn ông khác cũng đã lên kế hoạch kích nổ 4 phương tiện chứa đầy chất nổ để san bằng một khu chung cư ở Garden City, Kansas - nơi đặt một nhà thờ Hồi giáo lớn. Khu phức hợp này vốn là nơi sinh sống của nhiều người tị nạn Somalia và 3 thủ phạm không chỉ bày tỏ sự căm thù đối với họ mà là với "người Hồi giáo nói chung và mô tả bằng những từ ngữ cực đoan và bạo lực nhất mà họ dự định làm với họ", một luật sư người Mỹ thạo tin cho biết.
CNN dẫn lời nhà nghiên cứu tư tưởng phi đảng phái Robert McKenzie cho biết, tư tưởng bài Hồi giáo tại Mỹ - dù là dưới hình thức hành động căm thù hay tuyên bố chống phá được đưa ra bởi các lãnh đạo - đã cho thấy sự ngày càng phổ biến trong 3 năm qua.
Điều đó một phần đến từ mặt trái của mạng xã hội. Việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của những kẻ cực đoan để nhằm tụ tập, lôi kéo và tiêm nhiễm tư tưởng độc hại là một vấn đề mà các hãng công nghệ sẽ phải đối mặt. Nghi phạm của các vụ tấn công ở New Zealand hôm 15/3 dường như đã chia sẻ một tuyên ngôn trên Twitter, trước khi tên này phát trực tiếp video về vụ tấn công qua Facebook.
Bản tuyên ngôn dài hơn 70 trang chứa đầy những tư tưởng chống người nhập cư, chống Hồi giáo và đề cao dân tộc da trắng. Trong khi đoạn video trực tiếp gần 20 phút, cho thấy một phần cuộc tấn công đẫm máu từ camera hành trình - nay đã bị gỡ xuống khỏi Facebook mặc dù clip đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
Việc sử dụng hình thức phát sóng trực tiếp này không phải là mới, khi hồi tháng 6/2016, Larossi Abballa, một tên khủng bố được khơi hứn bởi ISIS, đã giết một quan chức cảnh sát và đồng nghiệp nữ của anh ta ở Pháp. Ngay lập tức sau đó, Abballa đã tự quay phim trực tiếp trên Facebook và tuyên bố trung thành với ISIS.
Những kẻ khủng bố đã từng dựa vào các tổ chức truyền thông chính thống thông thường để thu hút sự chú ý, công khai các cuộc tấn công của chúng hay truyền bá tin tức về trách nhiệm của chúng với các cuộc tấn công. Tuy nhiên giờ đây chúng hoàn toàn có thể tự làm điều đó bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, khiến xu hướng này trở thành thách thức trong việc nhanh chóng ngăn chặn đối với Facebook hay YouTube.
Các cuộc tấn công khủng bố ở New Zealand cũng là một phần của xu hướng đang ngày càng lớn mạnh tại phương Tây, trong đó những kẻ khủng bố đang nhắm vào các địa điểm tâm linh tín ngưỡng.
Tại Mỹ, cuộc tấn công hồi tháng 10/2018 vào giáo đường Tree of Life ở Pittsburgh, Pennsylvania, đã khiến 11 người thiệt mạng. Trong vụ nổ súng nhà thờ Charleston năm 2015, thru phạm da trắng đã giết chết 9 người Mỹ gốc Phi. Năm 2012, 6 người cũng đã thiệt mạng trong vụ xả súng hàng loạt tại một ngôi đền Sikh ở phía nam Milwaukee, Wisconsin.
Trong tuyên ngôn của mình, kẻ tấn công New Zealand cho biết bản thân đã nghiên cứu nhiều chủ nghĩa khác trước khi chọn hành động theo chủ nghĩa dân tộc da trắng. Điều này cho thấy, giống như nhiều kẻ khủng bố trước, nghi phạm - vốn là người có thể còn tồn tại nhiều bất bình chưa được giải quyết trong cuộc sống - đã cố tìm kiếm một ý thức hệ có tính chất khuyến khích hắn ta hành động bạo lực. Hắn ta chắc chắn chưa phải là trường hợp cuối cùng, CNN kết luận.