Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 5/2024 tăng cao 13,11% so với tháng trước, đồng thời tăng rất cao 27,11% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Ninh
Đáng chú ý là sau 3 tháng liên tiếp đạt mức tăng so với cùng kỳ đã đưa lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 lần đầu tiên đã đạt mức tăng dương trở lại (+0,16%) so với cùng kỳ. Hiện nay, sản xuất tuy chưa đạt được quy mô so với năm 2022, nhưng cho thấy những tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp của tỉnh.
So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) liên tiếp đạt mức tăng vào các tháng 3, tháng 4 và tháng 5/2024 lần lượt là +5,33%, +4,89% và +27,11%. Như vậy, sản xuất công nghiệp đã dần trở lại quy mô bình thường hướng tới phục hồi tăng trưởng.
Đối với diễn biến chỉ số IIP toàn ngành và chi tiết ở các ngành công nghiệp cấp 1, cấp 2 trong tháng 5/2024 so với tháng trước, IIP toàn ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh tăng cao 13,11%.
Trong đó, xét theo ngành công nghiệp cấp 1, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (+13,22%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+2,58%); riêng ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (-2,3%).
Xét theo ngành công nghiệp cấp 2, có 16/24 ngành có chỉ số sản xuất tăng, một số ngành có chỉ số tăng cao như: sản xuất thiết bị điện (+52,17%); đáng chú ý là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh (+14,46%); in, sao chép bản ghi các loại (+7,49%).
Ở chiều ngược lại, có 8 ngành cấp 2 có chỉ số giảm nhưng mức giảm không đáng kể như: sản xuất thuốc và hóa dược liệu (-1,72%); sản xuất máy móc và thiết bị chưa được phân vào đâu (-1,67%); sản xuất phương tiện vận tải khác (-1,94%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (-0,3%);...
So với cùng kỳ năm trước, IIP toàn ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh tăng rất cao (+27,11%).
Trong đó, xét theo ngành công nghiệp cấp 1, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhiều nhất (+27,23%); tiếp đến là ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+23,4%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (+8,91%).
Xét theo ngành công nghiệp cấp 2, có tới 19 ngành có chỉ số sản xuất tăng, một số ngành có chỉ số tăng cao là: In, sao chép bản ghi các loại (+107,27%), Sản xuất sản phẩm thuốc lá (+39,64%); đặc biệt phải kể đến ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+30,49%). Tuy vậy, vẫn có 05 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số giảm, cụ thể là: sản xuất chế biến thực phẩm (-6,22%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (-7,21%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-1,92%); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (-25,17%) và sản xuất phương tiện vận tải khác (-24,99%).
Tính chung 5 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh lần đầu tiên trong năm đã đạt mức tăng trưởng dương (+0,16%) so với cùng kỳ.
Trong đó, xét theo ngành công nghiệp cấp 1, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng nhẹ (+0,05%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (+11,08%) và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+21,32%).
Xét theo ngành công nghiệp cấp 2, có 16 ngành có chỉ số IIP tăng, trong đó một số ngành có mức tăng cao là: sản xuất sản phẩm thuốc lá (+50,79%); thoát nước và xử lý nước thải (+33,71%); sản xuất giường, tủ, bàn ghế (+25,18%).
Ở chiều ngược lại, có 8 ngành có chỉ số IIP giảm, trong đó có ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Tuy nhiên, do tiếp tục có sự cải thiện nên ngành này chỉ còn giảm nhẹ (-0,56%).
Sản xuất nhiều sản phẩm trọng điểm tăng khá
Tháng 5, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tiếp tục có sự phục hồi tốt đã kéo nhiều sản phẩm chủ yếu tăng lên, trong đó có 3 sản phẩm trọng điểm của tỉnh đạt được mức tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, có 14/23 sản phẩm chủ yếu có mức tăng, trong đó có 50% số sản phẩm trọng điểm của tỉnh: máy in (+17,4%); linh kiện điện tử (+39,1%) và pin điện thoại (+129,2%).
Ở chiều ngược lại, có 9 sản phẩm chủ yếu bị giám xuống, trong đó có 3 sản phẩm trọng điểm của tỉnh là: điện thoại di động thường (-10,8%); điện thoại thông minh (-17,7%) và đồng hồ thông minh (-20%).
So với cùng tháng năm trước, có tới 18 sản phẩm chủ yếu của tỉnh có mức tăng, trong đó có 4 sản phẩm chủ lực của tỉnh, cụ thể: máy in (+54,6%); điện thoại thông minh (+29,2%); linh kiện điện tử (+30,3%) và pin điện thoại các loại (+36,2%). Còn lại 5 sản có mức giảm so với tháng cùng kỳ, trong đó có 02 8 sản phẩm trọng điểm của tỉnh là: đồng hồ thông minh giảm nhiều (-30,3%) và điện thoại di động thường (-19,9%).
Tính chung 5 tháng, có 17 sản phẩm công nghiệp của tỉnh có mức tăng so với cùng kỳ, trong đó có 3 sản phẩm trọng điểm của tỉnh là: máy in (+10,7%); điện thoại thông minh (+2,6%) và pin điện thoại các loại (+11,1%).
Ở chiều ngược lại có 6 sản phẩm có mức giảm, trong đó có 3 sản phẩm trọng điểm của tỉnh là: điện thoại di động thường (-25%); đồng hồ thông minh (-7,1%) và linh kiện điện tử (-0,6%).
Sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp biến động nhẹ
Tại thời điểm 1/5/2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp so với cùng thời điểm tháng trước giảm nhẹ (-0,39%), tuy nhiên so với cùng thời điểm cùng kỳ tăng nhẹ (+0,98%).
Xét theo loại hình doanh nghiệp, lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước so với các gốc so sánh cùng thời điểm tháng trước và cùng thời điểm cùng kỳ lần lượt là giảm 0,13% nhưng tăng 1,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,25% nhưng giảm 0,14%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,13% so với tháng trước nhưng giảm 0,47% so cùng kỳ trước.
Xét theo ngành công nghiệp cấp 1, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1%) so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,44% so với thời điểm cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí lần lượt giữ nguyên và tăng nhẹ 0,87%; tương tự ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải lần lượt giữ nguyên và tăng 3,49%.
Tính chung 5 tháng, chỉ số sử dụng lao động của toàn ngành công nghiệp tăng 0,13% so với cùng kỳ.
Xét theo loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lao động tăng 1,04%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,47% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn giảm 0,1% đã tác động trực tiếp làm giảm quy mô lao động chung của các doanh nghiệp công nghiệp.
Xét theo ngành công nghiệp cấp 1, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,19%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,78% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18% so với cùng kỳ.