Truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Hiện nay, di sản văn hoá Mo Mường vẫn đang được thực hành, trao truyền cùng với sự phát triển của cộng đồng người Mường. Tuy nhiên, DSVH Mo Mường đang đứng trước nhiều thách thức. Các nghệ nhân hiểu biết, nắm giữ tri thức Mo ngày càng cao tuổi. Trong khi thế hệ trẻ được truyền nghề có hạn. Xu thế hội nhập và ảnh hưởng của nhiều hoạt động văn hóa dẫn đến tình trạng giản lược các bài Mo trong quá trình diễn xướng.
Nguy cơ mai một
Trong thời gian rong ruổi đến địa bàn có cộng đồng sở hữu di sản sản Mo Mường, phóng viên có dịp được chứng kiến lễ cúng Mo mừng nhà mới và mát nhà tại một gia đình thuộc tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Những nghi lễ được Mo Đinh Văn Thành (Thanh Sơn, Phú Thọ) thực hiện đầy đủ như cúng khấn trình bày với Thổ công Thổ địa tại cây hương của gia đình; tiếp đó là cúng gia tiên, cuối cùng là lễ làm mát nhà. Vừa hoạt động công tác xã hội tại địa phương, vừa làm Mo nên có những thuận lợi nhất định trong thực hiện những công việc. Tuy nhiên, Mo Thành cũng luôn trăn trở, trước những thực tế trong việc bảo tồn và lưu truyền di sản Mo Mường hiện nay.
Mo Đinh Văn Thành chia sẻ: “Bản sắc dân tộc các cụ truyền cho con cháu không thể bỏ được nhưng hiện nay đang đứng trước nguy cơ mai một. Thế hệ trẻ ngày nay không muốn nói tiếng Mường, trong khi thực hành nghi lễ còn nhiều từ ngữ khác. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng tạo điện kiện để con cháu có thể tiếp thu di sản văn hoá này”.
Tại nhà NNƯT Nguyễn Đình Thưởng (xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập) cũng là một cựu chiến binh, Mo Mường có tiếng trong vùng, mới được phong tặng danh hiệu NNƯT dịp cuối năm 2022, chúng tôi có dịp được chứng kiến lễ cúng vía, cầu mong may mắn, mạnh khoẻ cho một em nhỏ. Buộc sợi chỉ trắng lên tay em nhỏ, lễ cúng vía diễn ra bài bản và trình tự, mang nhiều nét văn hoá độc đáo. Ngay từ trang phục của Mo, các lễ cúng (trầu cau, cơm muối, rượu, bánh, trứng, xôi…) được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể bị coi là lạc hậu, mê tín nên đã bị phá hủy, những người thực hành những di sản đó không được coi trọng hay cổ vũ, nên bị mất dần. Do vậy, khi hội nhập quốc tế, Việt Nam đã nhận ra điều đó và đã tích cực khắc phục những hạn chế ấy bằng việc điều tra, sưu tầm, nghiên cứu phục hồi và khai thác di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm bảo vệ và phát huy nó trong đời sống hiện đại, Mo Mường chính là một trong những kết quả từ những nhận thức đó.
GS.TS.Lê Hồng Lý Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
Sau nhiều năm kiên trì, bền bỉ gìn giữ, phát huy di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc. Dù cá nhân luôn tích cực, nhưng NNƯT Nguyễn Đình Thưởng không khỏi có những băn khoăn, lo lắng về trách nhiệm trước thực trạng về hoạt động bảo tồn giá trị di sản văn hoá Mo Mường. “Mo Mường thời của các cụ khác với bây giờ. Bây giờ, cũng là Mo Mường cúng nhưng phải làm thế nào để cho người được cúng nghe được câu của mình, đang dạy bảo cái gì, luân thường, đạo lý, tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách Nhà nước, đạo đức con người. Người Mường càng phải học nhiều cái đẹp, phát huy cái mới nhưng không được đánh mất tập tục, nét sống riêng của người Mường”.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của Mo Mường, góp phần lập hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể Mo Mường trình Thủ tướng Chính Phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, Mo Mường cần được tập trung quan tâm, có giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Ông Hà Quang Phùng – Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Chi nhánh huyện Thanh Sơn, Phú Thọ chia sẻ: “Nghề Mo thường cha truyền con nối, do vậy trước mắt, hội có trách nhiệm phát hiện các khu vực có ông Mo. Từ đó, chúng tôi sẽ có những giải pháp. Những gia đình chỉ truyền khẩu, chúng tôi phải cho học tiếng Mường để người được trao truyền ghi lại bản Mo lưu giữ cho thế hệ sau. Nếu không sẽ mất hết bài Mo, bài cúng. Mặt khác, những ông Mo nào làm được những việc có lợi cho dân, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để cho ông Mo đó phát triển”.
Bên cạnh những khó khăn về con người, ông Hà Quang Phùng cho biết: “Rất khó phục dựng vai trò của ông Mo xưa. Do vậy, cùng với việc có văn bản, chữ viết để ông Mo có thể học được; cần tạo điều kiện cho ông Mo có được đạo cụ để thuận tiện trong việc thực hành di sản. Đặc biệt, tôi đã xây dựng bộ chữ cho người Mường nhưng đến giờ tôi chỉ biết dạy chưa được công nhận”.
Chung tay bảo vệ Mo Mường
Theo tư liệu kiểm kê bước đầu của các Sở VHTT&DL thuộc các tỉnh nằm trong danh sách lập hồ sơ di sản Mo Mường, số lượng thầy Mo hiện có như sau: Hòa Bình có 190 người, Thanh Hóa có 184 người, Sơn La có 12 người, Ninh Bình có 12 người, Phú Thọ có khoảng 25 người, Hà Nội có 14 người, Đắc Lắk có khoảng 20 người. Tổng cộng của cả 7 tỉnh/ thành có khoảng 457 người. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Viện Âm nhạc: Số lượng nghệ nhân còn nắm giữ và thực hành được tương đối đầy đủ vốn di sản Mo Mường chỉ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ. Chẳng hạn với trường hợp khảo sát ở Hòa Bình thì số lượng thầy Mo có thể nhớ và thực hành diễn xướng Mo từ 5 đêm trở lên chỉ còn khoảng trên dưới 15 người (chưa đến 10% tống số của 190 thầy Mo đã được kiểm kê). Chỉ có điều, những thầy Mo giỏi thường là những người cao tuổi. Vì vậy, chúng ta cần phải khẩn trương đưa ra những giải pháp kịp thời để những thầy Mo giỏi có điều kiện phát huy hết những khả năng thực hành Mo của mình và trao truyền vốn di sản đó cho thế hệ tiếp nối.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Ninh Bình Vũ Thanh Lịch nêu thực trạng hiện nay ở Ninh Bình, việc rút ngắn các nghi lễ Mo trong tang ma đồng nghĩa với việc các bài Mo được rút ngắn hoặc cắt bỏ để đảm bảo thời gian. Lâu dần, các thầy Mo cũng ít có cơ hội sử dụng và ghi nhớ được các nghi lễ cũng như các lời kể, các câu thơ, điệu hát khi thực hành Mo. Bên cạnh đó, việc ảnh hưởng, giao thoa về lối sống và niềm tin, tín ngưỡng giữa đồng bào dân tộc Mường và người dân tộc Kinh ở các khu vực trung tâm có tốc độ đô thị hoá cao, khiến nhu cầu thực hành nghi lễ Mo không còn nhiều, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các thày Mo không còn “đất dụng võ” dẫn đến việc lưu truyền các bài Mo, nghi thức Mo mai một dần.
Từ thực tiễn công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và những kết quả nghiên cứu bước đầu về di sản Mo Mường, Phó Giám đốc Sở VH&TT Ninh Bình Vũ Thanh Lịch đề xuất phải tận dụng vai trò của các nhà khoa học, các chuyên gia trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mo Mường.
Một trong những giải pháp được các nhà khoa học, cộng đồng sở hữu, thực hành, bảo tồn di sản Mo Mường là chắt lọc những tinh hoa để Mo Mường vừa gìn giữ được những giá trị quý báu của di sản, vừa mang được ý nghĩa tâm linh.
Về việc thực hiện Mo tang ma - nghi lễ dài nhất, chứa đựng đầy đủ nhất kho tàng tri thức, văn hóa, nghệ thuật cũng như phản ánh đầy đủ nhất thế giới quan, nhân sinh quan của người Mường, NNƯT Nguyễn Đình Thưởng chia sẻ: Tuỳ theo nội dung nghĩ lễ, chúng ta quyết định nên hay không việc kéo dài. Chúng ta nên kéo dài cái gì có lợi, ý nghĩa; còn những gì chỉ thời gian thì không nên. Ví dụ trong Mo ma, tiết mục mọi người thấy bức xúc nhất là gọi là chèo đò. Từ 9 giờ trở đi, ông Mo chèo đò gọi ông A, ông B (con cháu trong nhà). Gia đình nào ít con cháu thì chèo đò ít, gia đình nào họ hàng đông thì gần như mất cả một đêm chèo đò (đưa tiền cho cụ về thế giới bên kia) thì cái đó là không nên”.
Mặt khác, khi trao đổi về vấn để bảo tồn Mo, nghệ nhân Quách Văn Đào (Hoà Bình) cho biết rất mong muốn được tự tổ chức một lớp truyền dạy về Mo của người Mường nếu được Nhà nước cho phép. Ở lớp học đó ông sẽ truyền cho học trò những điều sau: Dạy cách thể hiện các làn điệu và các kỹ thuật diễn xướng Mo; Giảng giải về các nội dung, ý nghĩa của từng áng Mo, cát Mo/ roóng Mo và trình tự của các bài Mo, các bước nghi lễ Mo theo phong tục cổ truyền của người Mường; Tạo điều kiện để những học trò có nhiều dịp tham gia học và thực hành Mo trực tiếp từ thực tế trong các nghi lễ tang ma.
Đến nay Viện đã hoàn thành việc điền dã, khảo sát về Di sản văn hóa Mo Mường tại các tỉnh Ninh Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ và TP Hà Nội; hoàn thành việc sưu tầm, thu thanh, ghi hình ở Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình; hoàn thành bóc, dịch tư liệu đã sưu tầm, ghi âm, ghi hình; thời lượng tư liệu... Đây là những dữ liệu và cơ sở quan trọng để đệ trình UNESCO công nhận Mo Mường là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Trần Hải Đăng