Có thể thấy, Đề án đã được xây dựng và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên, nhiệm vụ, giải trọng tâm, đột phá nhằm từng bước tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao năng lực cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn cũng như huy động nhiều nguồn lực cho công tác này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường
Thực tế cho thấy, thời gian qua mặc dù Thành ủy, HĐND đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) như: Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Thành ủy Hà Nội về Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PPCC&CNCH trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới"; Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của HĐND TP về các biện pháp tăng cường công tác PCCC&CNCH trên địa bàn TP Hà Nội; Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của HĐND TP quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực; Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của HĐND TP Hà Nội quy định mức hỗ trợ thường xuyên đối với các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội
Tuy nhiên, do có số lượng dân cư đông với khoảng 10 triệu người thường xuyên sinh sống và tạm trú; mật độ dân cư đông đúc tập trung ở các quận nội thành. Trong khi đó, toàn TP hiện có 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 8.261 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, 1 cảng hàng không quốc tế, 8 cảng sông, 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trên 500 khu dân cư, làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao. Trong khi đó, điều kiện hạ tầng, giao thông, nguồn nước liên quan phục vụ chữa cháy, CNCH chưa đồng bộ để đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội; nhận thức, ý thức trong công tác PCCC&CNCH của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương (nhất là cấp phường, xã), người đứng đầu cơ sở và người dân chưa cao.
Vì vậy, trong những năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong 10 năm (2013-2023) xảy ra 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ, trên 8.000 vụ sự cố nhỏ khác gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Đáng chú ý, trong số các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, có những vụ xảy ra tại loại hình không thuộc diện quản lý về PCCC như: nhà ở hộ gia đình, đặc biệt là nhà dạng ống; nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trước thời điểm ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; nhà ở nhiều căn hộ chưa được quy định cụ thể về phân loại và quản lý theo Luật Xây dựng và theo Luật PCCC.
Tạo hành lang pháp lý vững chắc để giải quyết vướng mắc, bất cập
Bên cạnh đó, mặc dù vậy, trong 10 năm qua, công tác PCCCC&CNCH vẫn luôn được lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tố chức thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng, kịp thời nhưng thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều vụ việc, lực lượng Cảnh sát PCCC& CNCH gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường để tổ chức giải cứu nạn nhân nên đã có nhiều vụ việc có số lượng nạn nhân tử vong cao.
Ngoài ra, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành chưa phát huy được hết vai trò, năng lực trong công tác CNCH. Nhận thức, ý thức của một bộ phận cá nhân, hộ gia đình, cơ sở trong công tác PCCC&CNCH còn hạn chế; vai trò, năng lực trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp (nhất là cấp xã) chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong khi đó, thời gian qua, tiến độ xử lý đối với các công trình vi phạm PCCC theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND còn chậm do gặp nhiều bất cập, vướng mắc; quân số, biên chế cho các Đội PCCC&CNCH chưa đáp ứng được yêu cầu, tình hình thực tế công việc; chế độ chính sách cho lực lượng chữa cháy, CNCH chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của nghề nghiệp; quy hoạch và xây dựng hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được yêu câu của công tác PCCC&CNCH; kinh phí, phương tiện trang bị cho Cảnh sát PCCC&CNCH cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu; việc đầu tư cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành còn hạn chế...
Xuất phát từ thực tế đó, đồng thời căn cứ vào Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư đã ban hành về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC..., HĐND TP thông qua Đề án Nâng cao năng lực bảo đảm an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư đã ban hành về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC đề ra ba nhiệm vụ cụ thể: tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCCC, CNCH; rà soát, ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành quy hoạch hạ tầng PCCC giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng bộ với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương; Tập trung khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, bất cập về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, CNCH.
Căn cứ các chỉ đạo của Trung ương và TP, từ thực tế công tác điều hành quản lý của chính quyền các cấp, nhận thức của nhân dân, từ thực trạng công tác PCCC&CNCH của TP thời gian qua có thể khẳng định: việc thông qua "Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030" với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, các nhiệm vụ định kỳ thường xuyên là cần thiết; nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cùng với cơ chế vận hành thống nhất, đồng bộ từng bước tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC&CNCH của TP.
Đồng thời khai thác tối đa nguồn lực của địa phương góp phần nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC, CNCH của Thủ đô đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.