Tầm nhìn dài hạn trong bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Bài 1: 5 nhóm giải pháp, 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết thông qua Đề án Nâng cao năng lực bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.

Việc Đề án được thông qua với các mục tiêu, giải pháp, tạo cơ sở để trang bị đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng lực lượng PCCC&CNCH ngày càng chuyên nghiệp... trong tầm nhìn dài hạn.

Xây dựng lực lượng tinh nhuệ, hiện đại

Đề án đặt mục tiêu phát triển, củng cố xây dựng lực lượng, phương tiện PCCC&CNCH tại địa bàn, cơ sở, đáp ứng phương châm “bốn tại chỗ”; đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và phù hợp với đặc điểm của Thủ đô; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác PCCC&CNCH trong tình hình mới.

Cụ thể, Đề án đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác PCCC&CNCH của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị các cấp, người đứng đầu cơ sở, cơ quan, tổ chức, DN và quần chúng Nhân dân trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng, pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH, vận động các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia PCCC&CNCH, phát huy năng lực, hiệu quả của lực lượng tại chỗ.

Trong đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan TP, học sinh các cấp, bậc học được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC; 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn; 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có “lối thoát nạn thứ 2” phải mở “lối thoát nạn thứ 2”; vận động các cá nhân tình nguyện, đăng ký tham gia hoạt động PCCC&CNCH đạt 2% so với tổng số hộ gia đình trên địa bàn; 100% khu dân cư được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Đội dân phòng bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Trong tổng số nguồn kinh phí dự toán dành cho công tác PCCC&CNCH có phần quan trọng dành cho việc tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng PCC&CNCH trong cộng đồng. Ảnh: Thịnh An
Trong tổng số nguồn kinh phí dự toán dành cho công tác PCCC&CNCH có phần quan trọng dành cho việc tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng PCC&CNCH trong cộng đồng. Ảnh: Thịnh An

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và năng lực của các đơn vị được giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về vấn đề này. Trong đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong công tác PCCC tại các khu dân cư và công trình vi phạm; di dời các cơ sở hóa chất trong khu dân cư đến khu/cụm công nghiệp, phù hợp quy hoạch của ngành Công Thương; đôn đốc 100% cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC năm 2001 và công trình vi phạm chưa được nghiệm thu PCCC hoàn thành việc khắc phục các tồn tại; không để phát sinh công trình vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng liên quan PCCC.

Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH TP bảo đảm về mạng lưới trụ sở, doanh trại, cơ cấu biên chế, lực lượng và trang thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu công tác này của TP, đồng thời bảo đảm theo phương châm “Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại".

Giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan

Đề án đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất, tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương từ cấp TP đến cấp cơ sở trong công tác PCCC&CNCH.

Nhóm giải pháp thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC&CNCH với 2 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đối với với các khu dân cư và nhiệm vụ đối với các công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Nhóm giải pháp thứ ba, xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá (kiện toàn, thành lập bổ sung các Đội, phân Đội; quy hoạch bổ sung địa điểm làm việc, doanh trại cho lực lượng, tăng cường quân số, biên chế; tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH).

Nhóm giải pháp thứ bốn, đầu tư phát triển hạ tầng với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp nước và hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC.

Nhóm giải pháp thứ năm, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ, với 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gắn với các lực lượng dân phòng, lực lượng cơ sở, lực lượng chuyên ngành, lực lượng tình nguyện tham gia hoạt động PCCC&CNCH.

Bên cạnh 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nêu trên, Đề án cũng đề ra 5 nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên: tham mưu hoàn thiện thể chế trong việc thực hiện công tác PCCC& CNCH của TP; nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác này; nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực của các đơn vị thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng “công nghệ số” và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về PCCC& CNCH.

Dành khoảng 26.341,45 tỷ đồng triển khai Đề án

Trên cơ sở những mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Đề án đã đưa ra dự kiến sơ bộ khái toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Đề án (cả 2 giai đoạn) khoảng 26.341,45 tỷ đồng (ngân sách cấp TP khoảng 13.852,67 tỷ; ngân sách cấp huyện khoảng 12.488,78 tỷ); trong đó, khoảng 19.959,72 tỷ đã được đề xuất hoặc dự kiến kinh phí tại các Kế hoạch, Chương trình mà TP đã ban hành.

Nguồn kinh phí dự kiến thực hiện nhiệm vụ như: khắc phục các điều kiện về PCCC của các công trình không bảo đảm yêu cầu về vấn đề này được đưa vào sử dụng trước và sau khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực (các công trình thuộc nguồn vốn đầu tư Nhà nước); quy hoạch doanh trại, trụ sở lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH; đầu tư trang thiết bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cùng Công an cấp xã; đầu tư trụ nước chữa cháy; bổ sung đường cấp nước chữa cháy, trụ hoặc họng cho các ngõ sâu; xây trạm bơm, bể nước cho các khu dân cư nguy cơ cháy, nổ; xây bến lấy nước, hố thu nước tận dụng nguồn nước tự nhiên.

Kiện toàn, nâng cao năng lực PCCC tại chỗ (bảo đảm kinh phí, phương tiện cho các Đội dân phòng; duy trì các mô hình PCCC tại chỗ, trong đó có điểm chữa cháy công cộng; hỗ trợ trang bị phương tiện PCCC cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn). Tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC; rà soát, tháo dỡ rào chắn, bục, bệ, barie, mái che, mái vẩy làm cản trở khả năng hoạt động của xe chữa cháy...

Trong Nghị quyết, HĐND TP nhấn mạnh, quá trình triển khai thực hiện, căn cứ vào từng giai đoạn, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã theo chức năng từng ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, chủ động lập dự án, gói dự án và dự toán kinh phí thực hiện, đề xuất nguồn ngân sách bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và bảo đảm theo quy định.

(Còn nữa)