Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn cuối phân loại chất thải rắn vào cuối năm 2024 có khả thi?

Bài 2: Khi thùng rác " lên tiếng"

Nhóm Hà Nội Xanh: Hồng Linh-Thuỵ Bảo-Diệp Trang-Gia Hân-Vũ Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù hầu hết các trường học ở Hà Nội đã trang bị thùng rác phân loại, nhưng tình trạng học sinh vứt rác bừa bãi, lẫn giữa rác hữu cơ và vô cơ vẫn diễn ra phổ biến. Nguyên nhân từ đâu?

Thói quen tiện đâu vứt đấy.
Thói quen tiện đâu vứt đấy.

Thói quen và ý thức của người sử dụng

Ý thức bảo vệ môi trường của người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường và phân loại rác thải đã trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, tại một số trường học, thói quen này vẫn chưa được hình thành một cách tự giác ở tất cả học sinh. 

“Một số bạn lý luận rằng, cho rác vào thùng đã là tốt lắm rồi. Còn không thì cứ vứt gọn một góc, sẽ có các bác lao công dọn dẹp. Các bạn ấy không ý thức được những chai lọ, túi nilon đó nếu không được thu dọn kịp thời sẽ bị cuốn vào cống rãnh, trôi dạt khắp nơi, không thể phân hủy, ảnh hưởng rất xấu đến môi trường” - bạn Trần Thùy Dương, học sinh lớp 11A1 Hóa, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên bức xúc chia sẻ.

Ngoài ra, thói quen sinh hoạt hàng ngày của gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành ý thức bảo vệ môi trường ở trẻ. Khi chứng kiến mọi người xung quanh tập trung rác thải chung một chỗ và vứt bỏ bừa bãi, các em dễ dàng hình thành thói quen tương tự. Điều này giải thích tại sao một bộ phận học sinh vẫn chưa có ý thức phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định tại trường học. 

Bạn Hà An, cựu học sinh lớp Chất lượng cao, Trường THPT chuyên Xã hội và Nhân văn cho biết: “Chúng em được tuyên truyền phân loại rác tại trường học. Nhưng khi nhìn thấy những chiếc xe rác chất đầy rác thải hỗn hợp, em thấy rất buồn và thất vọng. Em mong các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp hiệu quả để việc thu gom rác được thực hiện đúng quy trình, tạo động lực cho người dân tiếp tục thực hiện việc phân loại rác tại nguồn”.

Một loại thùng rác “làm khó” người sử dụng.
Một loại thùng rác “làm khó” người sử dụng.

Hệ thống thu gom rác chưa đồng đều, hợp lý

Có thể thấy rõ một thực tế, các thùng rác ở trường thường để khá xa khu vực lớp học và mật độ phân bố chưa đồng đều. Người sử dụng thường có tâm lý ngại, lười di chuyển nên sẽ tiện đâu vứt đấy. Những thùng rác ở vị trí thuận lợi sẽ thường quá tải nhanh hơn, đồng nghĩa với việc rác sinh hoạt thường tràn ra ngoài gây mất vệ sinh, thiếu thẩm mỹ. Tại khu vực này đặt thùng rác chia ngăn, người sử dụng sẽ để rác thải vào ngăn chưa bị đầy mà không quan tâm quy định ngăn đó để loại nào.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều trường học sử dụng thùng rác một ngăn loại to nhỏ khác nhau. Điều này không những gây khó khăn trong việc phân loại mà còn không tạo được ý thức cho học sinh trong việc chủ động phân chia rác thải, tạo thói quen xấu.

Thùng rác không nắp gây mất vệ sinh.
Thùng rác không nắp gây mất vệ sinh.

Thiết bị thu gom chưa an toàn, vệ sinh

Thùng rác hiện nay được chia làm nhiều loại, nhưng tại các trường học cơ bản nhất vẫn là 3 loại: thùng rác đạp chân (đạp vào lẫy dưới đáy thùng để mở nắp), thùng rác nắp lật (đẩy 1 bên nắp tự lật nghiêng), và thùng rác hở (không có nắp).

Thùng rác đạp chân được sử dụng rộng rãi nhất vì có dung tích lớn, đảm bảo độ kín và bền. Tuy nhiên loại thùng rác này khó sử dụng với lứa tuổi học sinh nhỏ do lẫy đạp khá nặng dẫn đến tình trạng học sinh thường vứt thẳng lên nắp hoặc phải thò tay tự lật, rất mất vệ sinh. Các thùng rác nằm ở vị trí khuất cũng thường không được lau chùi bên ngoài sạch sẽ gây nên tâm lý e dè khi sử dụng.

 Thùng rác đặt ở vị trí rất xa lớp học.
 Thùng rác đặt ở vị trí rất xa lớp học.

Thiếu chương trình khuyến khích người sử dụng

Ở một số nước châu Âu, họ lắp đặt những máy thu gom vỏ chai đã qua sử dụng tại các khu vực công cộng. Khi thả chai vào, tùy theo dung tích, chất liệu, máy sẽ trả lại 1 khoản tiền tương xứng. Vì vậy nếu bạn “lười” mà để một cái vỏ chai ở đâu đó, chỉ trong nháy mắt sẽ có người “thu gom” hộ một cách vui vẻ.

Với điều kiện Việt Nam, có thể tạo ra phong trào thu gom giấy vụn thường xuyên và có hệ thống cho đến khi thói quen phân loại rác thải trở thành một việc đơn giản, không phải ép buộc. Hướng dẫn học sinh cách sử dụng thùng rác phân loại và gợi ý các phương pháp tái sử dụng, tái chế rác thải đơn giản, hiệu quả. Điều này sẽ tạo động lực cho các học sinh tăng cường tận dụng sản phẩm cũ và giảm lượng rác thải xả ra trường học.

“Ý thức con người không tự nhiên mà có, nó phải xuất phát từ những hoạt động hàng ngày, thậm chí đôi khi phải cưỡng chế thực hiện rồi mới trở thành thói quen” - bạn Lại Hoàng Khánh Linh, lớp 12D5, Trường THPT Khoa học Giáo dục nhìn nhận.

(Còn nữa)