Ra sông gặp… “cát tặc”
Điều tra của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cho thấy, khai thác cát trái phép ở ĐBSCL diễn ra tương đối phổ biến từ nhiều năm qua. Thông tin về việc ngành chức năng bắt giữ các đối tượng “cát tặc” được đăng tải thường xuyên, liên tục. Nhưng số lượng các vụ vị phạm cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ chỉ là một phần so với thực tế “cát thổ phỉ” đánh cắp ngày đêm trên những dòng sông.
“Cát tặc” tung hoành từ vùng thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu, giáp với nước bạn Campuchia, thuộc địa bàn tỉnh An Giang, Đồng Tháp và kéo dài hàng trăm km đến nơi “sông xòe chín cửa” thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Việc khai thác cát trái phép thường diễn ra “nhộn nhịp” vào ban đêm, hoạt động có tổ chức, có người cảnh giới ngành chức năng từ xa và sẵn sàng đe dọa người dân.
Theo phản ánh của người dân sống bên dòng sông Cửa Đại (Tân Phú Đông, Tiền Giang), các nhóm “cát tặc” thường hoạt động vào ban đêm, và khai thác ngay sát những đoạn đê bao của người dân cải tạo để nuôi tôm. Việc khai thác cát quá mức đã gây sạt lở nghiêm trong nhiều đoạn dọc tuyến sông. Ông Nguyễn Văn Bảy cho biết: Càng về khuya hoạt động bơm hút cát hoạt động càng mạnh. Dân ra ngăn cản thì bị khống chế, đe dọa. Dân báo cho chính quyền và ngành chức năng đến thì họ tạm ngưng, nhưng khi cán bộ về thì “cát tặc” lại hoạt động mạnh hơn. Các ghe tàu nhỏ bơm hút cát bên trong và các tàu vỏ thép có khối lượng lớn từ 1.000 đến 1.500m3 neo đậu dọc tuyến sông chờ "ăn hàng".
Có dẹp được loạn “cát thổ phỉ”?
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang ông Nguyễn Văn Kiệt chia sẻ với báo chí: Do lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép lớn nên các đối tượng bất chấp pháp luật, dùng nhiều biện pháp để đối phó lực lượng chức năng, gây khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý.
Các đối tượng này thường lợi dụng đêm khuya, hoạt động tại các tuyến sông giáp ranh giữa các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long, động ở tỉnh này chạy qua tỉnh kia. Bên cạnh đó các nhóm “cát tặc” thường sử dụng xuồng máy tốc độ cao, dọc các đoạn sông, nơi các đối tượng đang khai thác cát trái phép để cảnh giới. Khi phát hiện lực lượng chức năng thì thông báo để các đối tượng đang hút cát rút vào neo đậu trong bờ. Trên bờ, các đối tượng thuê người canh phương tiện để kịp thời thông báo cho các đối tượng khai thác cát trái phép biết và có biện pháp đối phó. Việc quy định xử lý nạn khai thác cát trái phép còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm như phải chứng minh thu lời bất chính từ 100 triệu đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên mới truy cứu trách nhiệm hình sự…
Trong khi đó, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết: Công tác kiểm tra, bắt giữ các phương tiện vi phạm khai thác cát trên sông còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có một số vụ các đối tượng vi phạm không hợp tác, bỏ trốn, không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý; các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý vi phạm. Công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương cũng chưa quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến công tác quản lý, kiểm tra, xử lý chưa đạt hiệu quả cao. Công tác xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác, vận chuyển tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật (khoáng sản, xây dựng, đầu tư, thuế) nên gặp nhiều khó khăn.
Dự báo nhu cầu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát san lấp rất lớn, lợi nhuận cao, trong khi các quy định pháp luật còn nhiều bất cập chưa hoàn thiện, nên tình trạng vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý khai thác cát trái phép, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch phân công cụ thể trách nhiệm của 11 sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.
Ban Giám đốc Công an tỉnh quán triệt nâng cao nhận thức rõ trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương nhất là cấp huyện, xã với tội phạm này. Các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ đối tượng có dấu hiệu vi phạm... để xây dựng kế hoạch đấu tranh, xử lý theo quy định pháp luật. Xử lý dứt điểm các tụ điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động khai thác cát trái phép, có hình thức đề xuất kiểm điểm trách nhiệm thủ trưởng đơn vị, trưởng Công an cấp huyện để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép kéo dài theo văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công an. Lực lượng Công an xác định rõ đối tượng, lập danh sách các chủ phương tiện tham gia hoạt động khai thác cát trên địa bàn để xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá, bắt giữ đường dây, băng nhóm, đặc biệt là đối tượng cầm đầu, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bộ Công an vào cuộc
Trước tình hình “cát thổ phỉ” diễn biến phức tạp nói trên, Thủy đoàn II thuộc Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an đã nhận lệnh phối hợp với công an các tỉnh ĐBSCL xử lý các “điểm nóng” về khai thác cát. Hàng chục vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép đã bị lực lượng Thủy đoàn II phối hợp bắt giữ phượng tiện và các đối tượng “cát tặc” giao cho công an các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre (nơi xảy ra vụ việc) xử lý.
Lãnh đạo Thủy đoàn II cho biết: Kết quả phối hợp đấu tranh, bắt giữ là một trong những nội dung quan trọng đang được Thủy đoàn II, Cục CSGT triển khai thực hiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo để kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm đối với hành vi khai thác, vận chuyển cát sỏi trái phép trên đường thủy nội địa phía Nam, góp phần duy trì bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động giao thông đường thủy, bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, phòng chống sạt lở ven sông tại các tỉnh miền Tây trong bối cảnh sạt lở ven sông hiện đang diễn biến rất phức tạp.