Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị:

[Bài 3]: Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt.

TP đã tập trung xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị được đẩy mạnh; công tác quản lý trật tự xây dựng được tăng cường…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Ảnh: Thanh Hải
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Ảnh: Thanh Hải

Nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt

Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, công tác quy hoạch của TP được đẩy nhanh tiến độ và nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt.

Cụ thể, sau thời gian triển khai các bước theo quy định, Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo quyết liệt, khắc phục tình trạng chậm trễ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các đồ án quy hoạch. Đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn TP để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Trong 7 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện phê duyệt 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Nâng tổng số nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện lên thành 14/14 nhiệm vụ. Ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng".

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, chung cư cũ, các làng nghề, hoàn thiện chương trình phát triển đô thị. Chất lượng quy hoạch được nâng cao, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch. TP tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì thành quận (hiện HĐND TP đã thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh, quận Gia Lâm và các phường trực thuộc). Rà soát, đánh giá mức độ đạt các tiêu chí thành lập phường, quận.

Trong đó tập trung đối với tiêu chí chưa đạt, xây dựng giải pháp, cân đối nguồn lực để thực hiện đạt tiêu chí. Phê duyệt thêm 1 đồ án quy hoạch chi tiết lập mới; 2 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết; 3 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị.

Song song với công tác quy hoạch, việc xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị của TP Hà Nội cũng được đẩy mạnh, công tác quản lý trật tự xây dựng được tăng cường.

TP đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá. Tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành trong năm 2023 tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao); đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô và đã khởi công dự án trong tháng 6/2023.

Hợp long Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, thông xe trong tháng 8/2023; đưa vào sử dụng năm 2023 cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch và Đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân. Hoàn thiện thủ tục để khởi công trong năm 2023 Dự án tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường Vành đai 3; nghiên cứu, triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các cầu lớn vượt sông Hồng (Hồng Hà, Mễ Sở) để khớp nối đồng bộ với đường Vành đai 4.

Ngoài ra, TP tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, mở mới các tuyến buýt, đưa vào vận hành một số tuyến buýt chạy điện. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; 510/579 số xã, phường thị trấn; 65/75 bệnh viện; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, THPT; 27/27 các khu, cụm công nghiệp lớn; 33/37 các khu đô thị; 23/24 làng nghề; 23/25 khu di tích lịch sử, văn hóa, khu du lịch; kết nối với 6 tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).

TP tiếp tục phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội. Hoàn thành Quy định về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội... Trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn TP đã hoàn thành 2 dự án nhà thương mại với 61.043m2 sàn; 2 dự án nhà tái định cư với 24.960m2 sàn.

Ngày 30/8, TP Hà Nội đã tổ chức thông xe cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. (Ảnh: Phạm Công)
Ngày 30/8, TP Hà Nội đã tổ chức thông xe cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. (Ảnh: Phạm Công)

Ngoài ra, TP đã thực hiện tổng kết, đánh giá mô hình thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực UBND quận, huyện, thị xã. Đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin kiểm soát và xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng (đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương).

Tập trung xây dựng đô thị văn minh, hiện đại

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Mục tiêu đặt ra là hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, hầm chui nút giao đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường Vành đai 3...

Tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 2/3/2022 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội; các dự án phát triển nguồn nước; các dự án xã hội hóa cấp nước sạch khu vực nông thôn; hoàn thành dự án "Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá" và 8 dự án lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải từ nguồn vốn đầu tư công cũng như 3 dự án thoát nước bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tập trung nguồn lực, đầu tư các dự án xử lý rác thải ở một số khu xử lý rác thải tập trung của TP...