Bài cuối: Hướng đi nào cho quản lý vỉa hè Hà Nội?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Mỗi năm, Hà Nội đều có các đợt ra quân nhưng bất cập trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm cũng như ý thức kém của không ít người dân… khiến công tác quản lý trật tự đô thị nhanh chóng rơi vào cảnh “ném đá ao bèo”.

Nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An

Bài cuối: Hướng đi nào cho quản lý vỉa hè Hà Nội? - Ảnh 1

Thí điểm cho buôn bán trên vỉa hè một cách hợp lý

Với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành TP đáng sống và là đầu tàu của cả nước về mọi mặt, trong nhiều năm qua, TP Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khi phong trào lắng xuống, người dân lại đua nhau lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, dừng đỗ phương tiện… Do vậy, Hà Nội cần làm kiên quyết, kiên trì, "không đánh trống bỏ dùi" trong xử lý vi phạm trật tự đô thị.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm vi phạm, các đơn vị chức năng cũng phải có chính sách hỗ trợ việc làm cho người dân khi không được buôn bán trên vỉa hè. Đối với những người mất việc làm cần phải tạo sinh kế cho họ. Có như vậy, người dân mới hiểu và đồng lòng với chính quyền TP Hà Nội trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Bởi, "kinh tế vỉa hè" hiện là một phần ngành dịch vụ của TP Hà Nội trong nhiều năm qua. Ngoài ra, Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ vỉa hè tuyến phố nào đủ điều kiện cho các tiểu thương buôn bán và đoạn nào, khu vực nào không được. Từ đó, TP Hà Nội có thể xây dựng đề án thí điểm cho buôn bán trên vỉa hè một cách hợp lý.

Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh: 

Bài cuối: Hướng đi nào cho quản lý vỉa hè Hà Nội? - Ảnh 2


Cần sự quyết liệt của người đứng đầu

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ là việc làm không hề đơn giản nhưng nếu thực sự quyết tâm chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được. Hiện nay, tại một số nơi, cán bộ lý giải “không xử lý được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vì kho chứa đồ vi phạm hết chỗ” là không thuyết phục. Không thể lấy lý lẽ là không thu được tiền phạt vì cái xe cũ, mấy cái ghế nhựa, bàn nhựa.

Tại sao không nhìn vào những phương tiện có giá trị cao hơn, ví dụ cái ô tô hàng tỷ đồng, cái xe máy mấy chục triệu đồng? Liệu người vi phạm có bỏ không khi bị xử phạt? Do đó, chỉ khi nào người đứng đầu địa phương quyết tâm và quyết liệt, nhất quán với quan điểm “vỉa hè là dành cho người đi bộ”, thì vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mới được giải quyết triệt để.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý trật tự đô thị, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, Hà Nội cần xem xét việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số… trong việc giám sát, kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vi phạm trật tự đô thị, dừng đỗ phương tiện sai quy định.

Trên cơ sở đó, Công an TP Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm (hạ thi đua, cắt thi đua); đề xuất các hình thức xử lý theo quy định, báo cáo UBND TP. Đồng thời, kiến nghị Ban Thi đua - Khen thưởng TP không duyệt đề xuất các hình thức thi đua, khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị có tồn tại, hạn chế (có công văn đôn đốc nhắc nhở hoặc phiếu giao việc của cơ quan thường trực quá 2 lần/đợt; để tồn tại các điểm vi phạm phức tạp, gây bức xúc dư luận, bị báo chí, người dân phản ánh) trong thực hiện kế hoạch này.

Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, luật sư Diệp Năng Bình

Bài cuối: Hướng đi nào cho quản lý vỉa hè Hà Nội? - Ảnh 3


Quy định cụ thể, rõ ràng trong luật

Theo Thông tư 04/2008/TT-BXD, hè hay vỉa hè, hè phố là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến. Như vậy, theo Thông tư này, vỉa hè phục vụ chủ yếu cho người đi bộ chứ không quy định chỉ dành riêng cho người đi bộ và không cấm đỗ xe.

Mặt khác, Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng có quy định như sau: Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định. Tuy nhiên, thế nào là đỗ xe trên hè phố trái quy định thì luật không quy định cụ thể.

Trong Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định 11 vị trí không được dừng xe, đỗ xe nhưng không có vỉa hè và yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe, đỗ xe phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông…

Do đó, các cơ quan chức năng cần làm rõ việc dừng đỗ ô tô trên vỉa hè là được phép hay không? Tránh tình trạng muốn hiểu thế nào thì hiểu… gây khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý của các lục lượng chức năng.