Quá tải… rác
Hiện nay, các xã trên địa bàn huyện Thạch Thất như: Hữu Bằng, Chàng Sơn, Canh Nậu, Liên Quan, Kim Quan, Phú Kim… đều xảy ra tình trạng xả rác thải một cách tràn lan. Đặc biệt, tại các làng nghề thì vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng. Khu vực thị trấn Liên Quan, Thạch Thất gần chục năm qua, tuyến đê Vồi đã biến thành nơi tập kết rác thải. Hàng ngày, rác từ các xã Kim Quan, Liên Quan người dân mang ra đổ tràn lan. Mặc dù huyện đã hợp đồng thuê Công ty Môi trường HTX Thành Công thu gom, tuy nhiên, lượng rác thải ra lớn nên tồn đọng rất nhiều. Đoạn đường Đồng Xá (xã Kim Quan), rác còn chiếm nửa mặt đường. Người dân cho biết, đây là bãi tập kết rác nhưng do xe trung chuyển khoảng nửa tháng mới về một lần nên rác tồn ngày càng nhiều. Một "điểm đen" về rác mà gần chục năm qua người dân vẫn chung sống là bãi rác tại con đường liên xã (đoạn giáp ranh giữa thôn Thái Hòa, xã Bình Phú với thôn Giếng, xã Hữu Bằng). Ông Nguyễn Văn Bình (69 tuổi) ở Thái Hòa bức xúc: "Cả chục năm qua người dân phải sống chung với rác. Làng nghề với xưởng sản xuất, rác sinh hoạt trút tất ra lề đường. Mùa hè, rất nhiều ruồi nhặng bu đầy nhà". Người dân ở đây cho biết, đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng không có phương án giải quyết dứt điểm.
Tương tự, trên tuyến đường liên xã Hương Ngải - Canh Nậu - Dị Nậu (đoạn qua địa phận xã Canh Nậu) một lượng lớn rác lưu cữu tại đây. Rác bị người dân đổ, vứt ngay trên lòng, lề đường liên xã gây cản trở giao thông, bốc mùi xú uế nồng nặc và khói bụi mù mịt do đốt rác. Điều đáng nói, điểm tập kết rác này lại nằm ngay ở "cửa ngõ" vào xã Canh Nậu nên rất mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mặc dù đã có điểm thu gom, tuy nhiên nhiều người dân vẫn có thói quen tiện đâu đổ đấy. Ghi nhận tại xã Phú Kim, trên con đường xuyên qua cánh đồng; diện tích đất trồng màu, lúa bị rác thải "tấn công". Chị Cấn Thị Thu, đang lấy bạt ngăn rác chia sẻ: "Người khổ vì rác, giờ lại đến lúa, ngô cũng bị rác lấp. Vì không còn chỗ đổ nên người dân cứ tiện mang ra đồng vứt. Con kênh ngập rác, bờ ruộng lúa rác cứ lấn dần".
Xử lý thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - cán bộ Phòng TNMT huyện Thạch Thất cho biết, hình thức thu gom rác hiện nay vẫn chủ yếu làm thủ công bằng xe cải tiến, tần suất thu gom là 2 ngày/ lần. Đối với các xã có lượng rác thải lớn như: Hữu Bằng, Liên Quan thực hiện thu gom 1 ngày/lần. "Rác thải của các làng nghề, một phần được tái sử dụng như mùn cưa, gỗ vụn, bán sắt vụn... còn lại trôi nổi cùng với rác thải sinh hoạt. Do các làng nghề xả rác quá nhiều, rác tồn đọng tích lũy khiến cho một số nơi rác vẫn tràn ra đường. Lượng rác thải đang trong tình trạng quá tải" - bà Hoài chia sẻ.
Về công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện, đến nay đã có 18/23 xã, thị trấn có 137 tổ thu gom rác với 296 lao động. Huyện đã có dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Lại Thượng với quy mô 10ha, công suất xử lý khoảng 100 tấn/ngày nhưng dự án này đến nay vẫn chưa triển khai.
Nói về những bất cập trong việc xử lý ô nhiễm môi trường, bà Hoài cho rằng, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường còn hạn chế. Công tác quy hoạch và nguồn vốn đầu tư còn vướng mắc nên còn nhiều điểm tập kết chưa được xây dựng gây ô nhiễm môi trường. "Thành phố, các sở, ban, ngành cần tạo điều kiện về quy hoạch và nguồn kinh phí đầu tư vào bãi tập kết rác. Tăng thêm khối lượng xử lý rác chống việc rác quá tải. Ngoài ra, phải đầu tư công nghệ xử lý rác thải, tại các xã, tạo mô hình vừa và nhỏ, xây dựng mô hình xử lý rác thải tập trung… có như vậy tình trạng dồn, ứ, rác thải mới được giải quyết" - bà Hoài kiến nghị.
Như vậy, vấn đề rác thải ở huyện Thạch Thất đang rất nhức nhối đòi hỏi các cấp ngành của huyện cùng xắn tay vào giải quyết để người dân bớt khổ.
Rác ngập đường liên xã Bình Phú – Hữu Bằng. Ảnh: Lê Đạt
|