Đường làng thành nơi sản xuất
Cột mốc đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ nhất của làng nghề Dị Nậu là thành công của hội chợ làng nghề huyện Thạch Thất được tổ chức vào năm 2013 tại địa phương. Đây là cơ hội để các DN, người tiêu dùng biết đến sản phẩm làng nghề nhiều hơn. Sau hội chợ năm đó, khách hàng tìm đến làng nghề ngày một đông hơn, nhiều hợp đồng đặt hàng được ký kết nên các cơ sở mộc trong làng làm quanh năm không hết việc. Nhu cầu của thị trường tăng lên đã kéo theo sự ra đời của nhiều cơ sở sản xuất mới. Hiện nay toàn xã Dị Nậu có hơn 3.000 hộ dân thì có tới trên 60% số hộ tham gia sản xuất nghề mộc. Sản phẩm của làng nghề khá đa dạng từ kiểu dáng, mẫu mã, chủng loại như giường, tủ, bàn ghế cho tới các loại đồ thờ, sập gụ...
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của làng nghề mộc hiện nay là mặt bằng sản xuất. Đa số các cơ sở vẫn phải tận dụng không gian sinh hoạt chật hẹp của gia đình làm nơi sản xuất. Việc này đã phần nào kìm hãm sự phát triển, cũng như cơ hội để các cơ sở đầu tư công nghệ hiện đại. Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ một cơ sở sản xuất ở xóm 10, Dị Nậu chia sẻ, gia đình muốn đầu tư thêm một số máy dập, máy ép để tăng năng suất công việc nhưng không có chỗ lắp đặt. Chính vì mặt bằng sản xuất chật hẹp nên hầu hết các cơ sở đều tận dụng đường làng, ngõ xóm để làm việc, gây ảnh hưởng tới giao thông đi lại của người dân và ô nhiễm môi trường.
Chưa có giải pháp tối ưu
Việc làng nghề phát triển mạnh cả về quy mô lẫn số hộ sản xuất đã gây sức ép không nhỏ tới môi trường địa phương thời gian gần đây. Các hoạt động như cưa, xẻ, phun sơn PU... đã ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt của người dân do bụi, tiếng ồn và mùi sơn. Để giải quyết tình trạng này, người dân đã nghĩ ra cách tạm thời là mỗi khi phun sơn PU sẽ mang ra đường làng phun rồi dùng quạt công nghiệp để thổi thốc không khí lên cao hoặc thiết kế các ống hút bụi trong xưởng... Tuy nhiên, những cách làm này thực chất hiệu quả không cao, thậm chí còn khiến không khí ô nhiễm phát tán rộng hơn.
Đề cập tới vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Dị Nậu Nguyễn Đức Đường bày tỏ, ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối ở địa phương hiện nay. Chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân về vấn đề này, song, do yêu cầu của công việc mà hoạt động sản xuất hàng ngày của làng nghề vẫn tác động đến môi trường. Hiện nay, xã đã xây dựng một điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề tập trung quy mô 10,5ha đáp ứng nhu cầu cho 230 hộ làm nghề. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với số hộ làm nghề ở địa phương. Hiện tại, còn khoảng hơn 1.000 hộ vẫn phải tận dụng không gian sinh hoạt gia đình làm nơi sản xuất, chưa có phương án tối ưu để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường.
Để cải thiện môi trường, giúp làng nghề phát triển bền vững, xã Dị Nậu rất mong được các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ giúp người dân trang bị những thiết bị xử lý môi trường hiện đại. Bên cạnh đó, đề nghị TP và huyện tiếp tục tạo điều kiện để địa phương mở rộng thêm điểm công nghiệp làng nghề, tạo điều kiện cho các hộ mở rộng sản xuất, giảm thiểu sức ép lên khu dân cư.