Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài toán môi trường ở “làng bò sữa” Đổng Xuyên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 20 năm qua, thôn Đổng Xuyên (xã Đặng Xá) được xem là một trong những “làng bò sữa” của huyện Gia Lâm.

Nghề chăn nuôi bò sữa giúp mang lại thu nhập khá. Tuy nhiên, vấn đề môi trường phát sinh từ chất thải chăn nuôi ngày một nghiêm trọng đang thực sự trở thành nỗi lo đối với nhiều hộ sản xuất nơi đây.

Ảnh hưởng nhiều mặt

Bắt đầu làm quen với nghề chăn nuôi bò sữa từ năm 1999, đến nay, gia đình anh Đào Bá Quân (thôn Đổng Xuyên) đã sở hữu đàn bò sữa với 8 con. Hiện, với 3 con đang cho sữa (4 con đang mang thai và 1 con còn nhỏ), gia đình anh thu khoảng 60kg sữa mỗi ngày. Một điều hết sức thuận lợi với nhiều hộ chăn nuôi nơi đây là họ được các DN sữa thu mua với mức giá khá ổn định từ 8.000 - 14.000 đồng/kg (tùy vào chất lượng sữa). Không chỉ vậy, như nhiều hộ chăn nuôi bò ở thôn Đổng Xuyên, gia đình anh Quân đã sử dụng diện tích đất canh tác nông nghiệp để tự trồng cỏ voi cho bò. Nhờ đó, gia đình anh tiết kiệm được đáng kể chi phí chăn nuôi. Chỉ với 3 con bò hiện đang cho sữa, hiện mỗi ngày, gia đình anh thu lời không dưới 600.000 - 700.000 đồng.
Nghề chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập khá nhưng đang làm nảy sinh vấn đề môi trường ngày một trầm trọng.
Nghề chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập khá nhưng đang làm nảy sinh vấn đề môi trường ngày một trầm trọng.
Gia đình anh Quân chỉ là một trong số 77 hộ đang sống khỏe nhờ nghề chăn nuôi bò. Theo thống kê, tổng đàn bò các hộ đang nuôi trên địa bàn xã Đặng Xá khoảng 292 con, trong đó đàn bò sữa là 180 con, tập trung tại thôn Đổng Xuyên. Nhờ nghề chăn nuôi bò sữa, đời sống của không ít hộ trên địa bàn thôn đã trở nên khấm khá hơn. Tuy nhiên, vấn đề môi trường phát sinh từ phế thải chăn nuôi cũng đang khiến địa phương hết sức đau đầu. Hầu hết các hộ đều chăn nuôi trong khu dân cư. Chất thải phát sinh được đổ trực tiếp vào hệ thống cống rãnh, gây ảnh hưởng tới môi trường sống xung quanh. Theo khảo sát, tại phía đầu sông Thiên Đức (cổng thôn Viên Ngoại), lượng phân kết bè với độ dày lớn gây tắc nghẽn dòng chảy. Không chỉ vậy, theo ông Phạm Gia Hân - Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm, chất thải từ quá trình chăn nuôi bò sữa ở thôn Đổng Xuyên đang khiến sông Giàng - hệ thống thủy lợi quan trọng bậc nhất trên địa bàn bị ô nhiễm ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con.

Có giải pháp nhưng…chưa ăn thua

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng trên địa bàn, UBND xã Đặng Xá đã yêu cầu tất cả các hộ chăn nuôi phải xây dựng bể khí sinh học biogas. Hiện, 76 hộ (phần lớn là các hộ chăn nuôi bò sữa) đã lắp đặt hệ thống này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ánh Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Xá, do lượng chất thải phát sinh hàng ngày từ quá trình chăn nuôi quá lớn, trong khi công suất xử lý của bể khí chỉ đạt khoảng 20kg/ngày, nên một lượng lớn chất thải hiện vẫn đang được các hộ đổ thẳng ra hệ thống cống rãnh, rồi chảy vào sông Thiên Đức...

Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi đang ngày một trầm trọng. UBND xã thường xuyên tuyên truyền để các hộ chấp hành nghiêm túc việc bảo đảm VSMT, yêu cầu các hộ chăn nuôi thu gom chất thải, đổ ra bãi tập kết trước khi dọn, rửa chuồng trại. Đồng thời, phối hợp với các DN kiên quyết không thu mua sữa từ các hộ có điều kiện chăn nuôi chưa bảo đảm VSMT. Địa phương cũng đang lên kế hoạch xây dựng bể lắng tại cổng thôn Hoàng Long - Đổng Xuyên nhằm xử lý nước thải trước khi đổ ra sông Thiên Đức. Tuy nhiên, dự án cần nguồn vốn lớn nên rất mong UBND huyện Gia Lâm có phương án hỗ trợ đầu tư xây dựng. Ông Quang cũng kiến nghị, đơn vị chức năng huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí giúp các hộ chăn nuôi còn lại xây dựng bể khí sinh học biogas nhằm giảm tải lượng chất thải phát sinh tại nguồn, sớm trả lại sự trong sạch cho môi trường sống nơi đây.