Diễn biến này không chỉ đem lại lợi thế mới cho Kiev trong cuộc xung đột mà còn cho cựu Tổng thống Mỹ - ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới.
Ý nghĩa “quyết định” với Ukraine
Theo giới quan sát, gói viện trợ đến với Ukraine trong bối cảnh Moscow đang thu thập động lực cả trên bộ lẫn trên không, đe dọa một cuộc tấn công quy mô lớn vào mùa Hè năm nay, có khả năng phá vỡ phòng tuyến của quân Ukraine và tấn công các TP lớn. Số này bao gồm Kharkiv - TP lớn gần biên giới Nga nhất - và có thể cả Kiev, buộc chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky phải rời khỏi Thủ đô.
Giám đốc Cơ quan Tình báo T.Ư William Burns, cựu đại sứ tại Nga, nhận định, trừ khi đợt viện trợ mới của Mỹ sắp được triển khai, Ukraine có nguy cơ thua cuộc chiến trong năm nay. Vì vậy, gói viện trợ 61 tỷ USD có vai trò “cứu nguy” cho Kiev vào lúc này.
Mặt khác, cả cơ quan quốc phòng của Mỹ và châu Âu đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm này trong những tháng qua. Gần 90% nguồn tài chính dành cho Ukraine sẽ được chi cho việc mua sắm từ cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Các kho chứa ở châu Âu - do Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ và các đối tác NATO ở Đức, Ba Lan và các địa điểm khác ở Đông Âu điều hành - đã chứa đầy vũ khí, đặc biệt là đạn pháo, có thể nhanh chóng chuyển đến tay Ukraine.
Đứng đầu danh sách sẽ là bổ sung lực lượng phòng không của Ukraine. Đồng nghĩa Ukraine sẽ được trang bị thêm tên lửa đất đối không, từ các hệ thống nhỏ như Hệ thống đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) và hệ thống MIM-23 HAWK, cho đến các khẩu đội Patriot lớn và thậm chí cả các hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Những hệ thống này không chỉ bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng quan trọng như lưới điện mà còn có tác dụng chống lại máy bay Nga.
Ukraine cũng có khả năng sử dụng khoản viện trợ này để đưa khoảng 45 máy bay chiến đấu F-16 mà phương Tây từng cam kết vào hoạt động. Cuộc chiến ở Ukraine cũng đã trở thành cuộc xung đột kéo dài đầu tiên, trong đó máy bay không người lái đóng vai trò chính. Những chiếc máy bay không người lái này dựa vào sự chỉ huy và kiểm soát tinh vi - phần lớn được kết nối với các vệ tinh. Điều này có thể kém hào nhoáng hơn so với việc tên lửa đạn đạo bay tới Crimea và máy bay chiến đấu của lực lượng Nga, nhưng cũng quan trọng không kém.
Gói viện trợ của Mỹ có thể cho phép Ukraine triển khai lực lượng máy bay không người lái tấn công mạnh hơn với khả năng an ninh mạng tương xứng.
Cho đến nay, Mỹ là nước viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ lúc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Sự đóng góp của Mỹ, đặc biệt khoản viện trợ 61 tỷ USD trong gói tổng cộng 95 tỷ USD này, có thể đóng vai trò mang tính biểu tượng cho sự hỗ trợ của châu Âu đối với Kiev. Trong bối cảnh chiến sự Ukraine kéo dài sang năm thứ ba, tâm lý mệt mỏi vì chiến tranh đồng nghĩa các đợt viện trợ mới không khác gì nước cờ quyết định. Động thái viện trợ mang ý nghĩa thể hiện vị thế đầu tàu và từ đó các đồng minh tại châu Âu cũng có thêm động lực tiếp tục đặt cược vào khả năng giành chiến thắng của Ukraine.
Cú quay xe của ông Trump?
Trong quá trình đàm phán lưỡng đảng ở Mỹ để thông qua gói viện trợ cho Ukraine, vai trò của ông Donald Trump đã được đề cập tới. Hầu hết các nhà quan sát cho rằng, ông Trump sẽ tiếp tục ủng hộ đảng Cộng hòa trong nỗ lực chặn gói viện trợ Ukraine. Khoảng một nửa số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ từng cho biết họ sẽ phản đối hỗ trợ Kiev nhiều hơn và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson không thể phá vỡ bế tắc này. Nhưng khi ông Johnson tiến tới thông qua dự luật vào tuần trước, ông Trump đã từ chối từ bỏ nỗ lực này.
Ông Donald Trump thậm chí còn ca ngợi Chủ tịch Hạ viện là “người tốt” sau khi thông qua dự luật viện trợ Ukraine. Động thái này có phần đáng ngạc nhiên với động thái phản đối kế hoạch trước đó.
Cái gật đầu của cựu Tổng thống đối với gói viện trợ Ukraine được nhận xét có tầm ảnh hưởng lớn đến việc Đảng Cộng hòa chấp nhận thỏa hiệp với phe Dân chủ để thông qua dự luật hỗ trợ nước ngoài này. Nhìn lại bối cảnh, trong tuần này ông Trump ra hầu tòa liên quan cáo buộc hình sự về "bịt miệng" một ngôi sao khiêu dâm, một diễn biến có thể gây cản trở lớn tới khả năng tái đắc cử của ông tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới. Mặt khác, các cuộc thăm dò cũng cho thấy, khi ông ngày càng lên tiếng phản đối Mỹ hỗ trợ Ukraine, thì sự ủng hộ của cử tri đảng Cộng hòa cũng ngày càng giảm sút.
Hãng Thông tấn RIA Novosti của Nga đề cập tới hai lợi ích mà ông Trump có thể tận dụng khi ủng hộ Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ. Đầu tiên là giúp ông loại bỏ bất đồng với các đảng viên Cộng hòa ủng hộ việc hỗ trợ Kiev, trong đó quan trọng hơn là với các nhà tài trợ cho chiến dịch bầu cử của đảng này với tư cách là ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, nơi sẽ nhận được ít nhất 3/4 số tiền được phân bổ để mua vũ khí cho Ukraine.
Bên cạnh đó, gói viện trợ cơ bản đáp ứng được yêu cầu của ông Trump liên quan đến việc phân bổ kinh phí để bảo vệ biên giới với Mexico, cùng với các điều khoản về việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga cũng như chỉ phân bổ tài trợ cho Kiev dưới dạng một khoản vay.
Vấn đề trên, kết hợp với một số hoạt động tiếp cận chiến lược của các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, cùng một thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa chính trị đối với gói viện trợ, đã giúp thuyết phục ông Trump thay đổi quan điểm về viện trợ cho Ukraine. Theo giới quan sát, sự thay đổi lần này khả năng là kết quả của một quá trình vận động hành lang liên tục, nơi các bên ứng xử như thể ông Trump sẽ là chủ nhân Nhà Trắng.
Cần lưu ý rằng gói viện trợ của Mỹ đã thoát thế bế tắc sau hàng loạt cuộc tiếp xúc của ông Trump với giới chức nước ngoài, như cuộc gặp của ông Trump với Ngoại trưởng Anh David Cameron ngày 8/4 tại Palm Beach hay Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại ở Trump Tower để thảo luận về những vấn đề giúp củng cố an ninh châu Âu.