Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức dưới thời ông Trump?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những chính sách được nêu bật trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bao gồm: cắt giảm thuế DN trong nước, tăng cường thuế quan nhập khẩu, dỡ bỏ các quy định và rút lui khỏi một số hiệp định toàn cầu…

Giới phân tích cho rằng rất khó để có thể xác định mức độ mà ông Trump sẽ thực hiện những biện pháp này trong nhiệm kỳ thứ hai, nhưng chắc chắn bất kỳ quyết định nào cũng sẽ để lại tác động đối với kinh tế thế giới cũng như kinh tế Mỹ.

Rủi ro từ kế hoạch thuế quan của ông Trump

Sau chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử hôm 5/11 vừa qua, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được dự đoán sẽ theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” một cách mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ thứ hai, bao gồm một kế hoạch hướng đến chủ nghĩa bảo hộ thương mại đưa thuế quan lên mức cao nhất mà Mỹ từng áp dụng kể từ những năm 1930.

Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Trump đề xuất áp đặt mức thuế toàn diện 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, thậm chí mức thuế lên tới 60% đối với sản phẩm từ Trung Quốc và 2.000% đối với xe ô tô sản xuất ở Mexico. Với Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống đắc cử Trump từng tuyên bố rằng khối sẽ phải trả giá đắt vì không mua đủ hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, kế hoạch áp thuế toàn diện của ông Trump sẽ làm tăng giá cả đối với người tiêu dùng và làm chậm lại mức chi tiêu trên toàn cầu.

Theo CNBC, nhiệm kỳ Tổng thống Trump thứ hai từ lâu được xem là điều không thuận lợi đối với châu Âu nói chung và EU nói riêng. Các nhà phân tích tại Signum Global Advisors lập luận, nhiều yếu tố có thể khiến EU trở thành người chịu thiệt thòi nhất khi dẫn chứng các căng thẳng thương mại và khả năng ông Trump sẽ tìm cách tăng lợi thế của Mỹ trong việc thu hút sự dịch chuyển vốn.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 10 - 20% đối với các nhà xuất khẩu ở tất cả các nước khác. Ảnh: Science.org
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 10 - 20% đối với các nhà xuất khẩu ở tất cả các nước khác. Ảnh: Science.org

Chuyên gia Emmanuel Cau từ ngân hàng Barclays (Anh) cảnh báo rằng, phần lớn các công ty châu Âu có thể không thu được lợi nhuận trong năm 2025 nếu chính quyền Tổng thống Trump triển khai chính sách thuế quan mới. Theo vị chuyên gia này, các DN sản xuất ô tô, đồ uống và hóa chất châu Âu được dự báo sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất do phụ thuộc nhiều vào thương mại với Mỹ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Macquarie Group đánh giá khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cũng có khả năng chịu tác động không nhỏ khi Tổng thống đắc cử Trump thực hiện các chính sách kinh tế đã cam kết trong chiến dịch tranh cử. Theo ông Mitchell Reiss, một nhà ngoại giao Mỹ và thành viên danh dự tại Viện Dịch vụ Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), sẽ có một số khác biệt trong cách tiếp cận của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.

“Theo quan điểm cá nhân, tôi tin Tổng thống đắc cử Trump muốn tăng thuế quan đối với Trung Quốc cho đến khi đạt được sự công bằng” - chuyên gia Reiss nhận định với CNBC vào tuần trước.

Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu ngày càng lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới từ chính sách thuế quan của ông Trump.

Ông Olli Rehn, Thống đốc Ngân hàng T.Ư Phần Lan kiêm thành viên Hội đồng Quản trị ECB, cảnh báo trong phiên thảo luận của Hội nghị thường niên UBS ở Anh hôm 12/11: "Các mức thuế nhập khẩu đáng kể đang được đề xuất có thể có những tác động bất lợi nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu".

Trong khi đó, Oxford Economics ước tính, nhiều quốc gia sẽ chứng kiến xuất khẩu và nhập khẩu giảm từ 3 - 8% ngay cả trong kịch bản thận trọng nhất của ông Trump. Các nhà phân tích tại London School of Economics & Political Science dự đoán, thuế quan bổ sung của Mỹ sẽ khiến GDP của Trung Quốc giảm 0,68%, GDP của Ấn Độ và Indonesia hạ lần lượt 0,03% và 0,06%.

Fed sẽ giảm lãi suất ít hơn

Phát biểu tại Hội nghị thường niên UBS châu Âu ở London hôm 12/11, bà Loretta Mester, cựu Chủ tịch Fed tại Cleveland nói rằng, chiến thắng bất ngờ của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đặt ra nhiều thách thức mới cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong việc hoạch định chính sách tiền tệ năm 2025. "Thị trường đang đúng", bà Mester khẳng định khi đề cập đến khả năng Fed sẽ thực hiện ít đợt cắt giảm lãi suất hơn so với dự báo trước đó. Đây là một thay đổi đáng kể so với kỳ vọng ban đầu về 4 đợt giảm lãi suất trong năm tới.

Yếu tố then chốt dẫn đến sự thay đổi này chính là các đề xuất chính sách thương mại của ông Trump. Theo nhiều chuyên gia, chính sách thuế quan mới trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump được dự báo sẽ khiến lạm phát nóng trở lại và cản trở kế hoạch giảm mạnh lãi suất của Fed.

Theo khảo sát của Reuters, các nhà đầu tư hiện dự báo Fed sẽ hạ lãi suất khoảng 1% trong nửa đầu năm 2025, sau đó là một đợt giảm với mức 0,25% trong nửa cuối năm. Nếu kế hoạch này thành hiện thực, lãi suất quỹ liên bang có thể chạm mức 3 - 3,25% vào cuối năm 2025.

Cũng có quan điểm tương tự, Chủ tịch Fed tại Minneapolis, ông Neel Kashkari, hôm 10/11 nhận định, các đề xuất thuế quan của Tổng thống đắc cử Trump có thể làm trầm trọng thêm lạm phát dài hạn nếu các đối tác thương mại toàn cầu quyết định “ăn miếng trả miếng”.

Trong bài trả lời phỏng vấn đài CBS, ông Kashkari cảnh báo: “Thuế quan một lần "có lẽ không gây tác động đến lạm phát dài hạn. Tuy vậy, thách thức sẽ xuất hiện khi có tình trạng các quốc gia "ăn miếng trả miếng", một quốc gia áp thuế, sau đó là các phản ứng trả đũa, và leo thang căng thẳng. Đó là lúc mọi thứ trở nên đáng lo ngại hơn, và thẳng thắn mà nói là sẽ bất định hơn" - ông Kashkari cho hay.

Bên cạnh thuế quan, các đề xuất khác của ông Trump như kế hoạch trục xuất người nhập cư quy mô lớn cũng đang được Fed theo dõi chặt chẽ về tác động lạm phát tiềm tàng. Ngân hàng T.Ư Mỹ đang giữ quan điểm thận trọng "chờ đợi và theo dõi" trước khi đưa ra bất kỳ điều chỉnh chính sách nào. Trước đó, kết thúc cuộc họp chính sách hôm 7/11 vừa qua, Fed thông qua đợt cắt giảm lãi suất thứ hai liên tiếp, tiếp tục nỗ lực điều chỉnh chính sách tiền tệ khi lạm phát tiến gần mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, bức tranh chính sách của chính quyền Tổng thống Trump không chỉ dừng lại ở vấn đề thuế quan. Bà Mester chỉ ra rằng còn có 3 yếu tố quan trọng khác cần theo dõi: chính sách nhập cư, cải cách thuế và chi tiêu công. "Tất cả những yếu tố này đều có thể tác động đến triển vọng kinh tế Mỹ" - cựu quan chức Fed nhận định.

Giới chuyên gia lo ngại, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tăng cao do kế hoạch đầu tư công của ông Trump - dự kiến sẽ chỉ dựa vào việc huy động thêm tiền từ thị trường tài chính thay vì tăng thuế với cá nhân và DN. Nợ công của Mỹ được dự báo sẽ tăng vọt lên tới hơn 7.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.

"Việc phát triển kinh tế mà không quan tâm đến việc kiểm soát nợ công sẽ khiến nền kinh tế Mỹ đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai" - chuyên gia kinh tế Ulrike Malmendier của trường Đại học California tại Berkeley nói với hãng tin NPR.