Dưới đây là bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang:
Lịch sử dân tộc Việt Nam là quá trình dựng nước đi đôi với giữ nước, đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Từ khi có Đảng lãnh đạo, lịch sử hào hùng của dân tộc ta được tiếp nối bằng những mốc son chói lọi với biết bao chiến công hiển hách trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới đời đã phải đương đầu với “thù trong, giặc ngoài,” nạn đói hoành hành, khó khăn chất chồng, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc,” Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy bén, sáng suốt, bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm nguy, từng bước tiến lên. Đứng vững trên nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, Đảng đã đề ra sách lược ngoại giao mềm dẻo, “dĩ bất biến, ứng vạn biến,” linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm của lịch sử nhằm phân hóa kẻ thù, loại trừ từng bước các thế lực thù địch, phản động, tranh thủ thời gian để củng cố và phát triển lực lượng cách mạng.
Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp mỗi lúc một điên cuồng lấn tới. Là hiện thân của ý chí hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để tránh một cuộc chiến tranh đổ máu cho hai dân tộc Việt-Pháp, nhưng khi kẻ thù đã buộc chúng ta phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc, thì nhân dân ta không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.
Đêm 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đại diện cho tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, thúc giục toàn dân đứng lên cứu nước; đây là một định hướng chiến lược đối với toàn dân ta ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”[1].
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, truyền thống anh hùng, bất khuất, kiên cường của nhân dân ta; thôi thúc cả nước sục sôi đứng lên chiến đấu, vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc.
Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân cả nước ta với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu là cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội.
Cùng với quân dân Thủ đô, quân dân các địa phương trong cả nước đã chiến đấu ngoan cường, giam chân địch. Đường lối kháng chiến của Đảng ta xác định ngay từ đầu là chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
Sau chín năm chiến đấu vô cùng oanh liệt, quân và dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.” Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, là bản anh hùng ca của một cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” [2], mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ có ý nghĩa lịch sử vĩ đại, buộc thực dân Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi vẻ vang của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới” [3]. Nguyên nhân cơ bản, quyết định thắng lợi là do đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là thắng lợi của sức mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện, cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc, của trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam; sức mạnh của tiền tuyến và hậu phương, vật chất và tinh thần, hiện đại và truyền thống, trong nước và quốc tế; sự đoàn kết toàn dân tập hợp trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, được xây dựng trên nền tảng khối liên minh công nông và trí thức vững chắc; chính quyền dân chủ nhân dân được giữ vững, củng cố và lớn mạnh, làm công cụ sắc bén tổ chức toàn dân kháng chiến và xây dựng chế độ mới; lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân do Đảng ta trực tiếp lãnh đạo, ngày càng vững mạnh, chiến đấu dũng cảm, mưu lược, tài trí, từng bước làm chuyển biến so sánh lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi cuối cùng. Nghiên cứu quá trình lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ của Đảng ta, có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về lãnh đạo cách mạng và chiến tranh nhân dân có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.Nổi bật là: (1) Phải đề ra được đường lối đúng đắn và quán triệt thực hiện sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đó là đường lối chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Nếu trước đây ông cha ta đã từng lấy “nhân nghĩa mà thắng cường bạo,” “lấy yếu mà thắng mạnh”... thì ngày nay trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam anh hùng đã lấy chính nghĩa mà chiến thắng xâm lược, lấy sức mạnh đại đoàn kết mà chiến thắng kẻ thù hung bạo, lấy chiến tranh cách mạng của toàn dân mà chiến thắng chiến tranh xâm lược của bọn thực dân cướp nước. (2) Đoàn kết toàn dân, toàn dân kháng chiến và đoàn kết với nhân dân hai nước Lào, Campuchia, với nhân dân Pháp và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới để dấy lên phong trào chống chiến tranh xâm lược phi nghĩa trên thế giới. (3) Thực hiện phương châm vừa kháng chiến, vừa xây dựng chế độ mới, xây dựng hậu phương ngày càng vững mạnh.(4) Chủ động đề ra và thực hiện phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự sáng tạo, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao, phối hợp nhịp nhàng giữa các chiến trường. (5) Toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng... đều phải là những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo sức mạnh tổng hợp để đưa kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.Đường lối toàn quốc kháng chiến, kháng chiến toàn dân, toàn diện đã được thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa kiểm nghiệm, chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. Bài học về phát huy sức mạnh toàn quốc kháng chiến, kháng chiến toàn dân, toàn diện đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, qua hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã vượt lên khó khăn, thử thách, lập nên những chiến công, kỳ tích anh hùng. Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, tạo lập và giữ được môi trường hòa bình, tranh thủ yếu tố thuận lợi của môi trường quốc tế để phát triển. Hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, đóng góp ngày càng tích cực, có trách nhiệm vào đời sống chính trị khu vực và thế giới... Những thành tựu đó tạo tiền đề, là nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Để tiếp tục phát huy tinh thần Toàn quốc kháng chiến, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần nhận thức sâu sắc tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới; phát huy cao độ quyết tâm chính trị, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tận dụng mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”Củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp quốc gia to lớn. Quan tâm chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là gia đình chính sách, người có công với nước, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức lành mạnh, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn xã hội, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức. Phát huy vai trò nòng cốt và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành; sự tham gia tích cực, hiệu quả của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội; triển khai các giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm gắn kết chặt chẽ xây dựng văn hóa và phát triển con người, phát triển văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Các chiến sỹ Vệ Quốc đoàn chiến đấu kiên cường bảo vệ từng ngôi nhà, tấc đất của Thủ đô. |