Kinhtedothi - Theo kế hoạch năm 2015, toàn TP phấn đấu có thêm 57 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tuy nhiên nhiều địa phương đã đăng ký vượt kế hoạch đề ra. Để hoàn thành mục tiêu ấy, các huyện, thị xã đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho cơ sở ngay từ đầu năm.
Trực tiếp về xã gỡ khó
Với việc có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2014, huyện Thanh Trì đã có tổng số 10 xã về đích NTM, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu TP về kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy. Được TP giao nhiệm vụ hoàn thành 3 xã NTM trong năm 2015, song huyện đã đặt mục tiêu phấn đấu toàn bộ 5 xã còn lại đều đạt chuẩn NTM, tiến tới trở thành huyện NTM trong năm nay. Theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, để đạt mục tiêu lớn này, huyện đã kiện toàn tổ công tác, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình 02 và về trực tiếp tại 5 xã để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong quý I/2015, toàn huyện đã có gần 6km đường giao thông được xây dựng với sự tham gia đóng góp của người dân.
Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình 02 kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại huyện Mỹ Đức trong quý I/2015. Ảnh: Quang Thiện
Tại huyện Thạch Thất, năm 2015, huyện được giao hoàn thành 3 xã NTM nhưng mục tiêu đề ra là phấn đấu vượt kế hoạch TP giao. Ông Chu Đại Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, ngay từ đầu năm, BCĐ Chương trình 02 của huyện đã rà soát, tập trung ưu tiên hỗ trợ các xã có điều kiện hoàn thành NTM trong năm 2015. Từ đầu năm đến nay, BCĐ huyện đã tổ chức giao ban 4 lần và trực tiếp xuống các xã để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, nhất là việc đấu giá quyền sử dụng đất. “Kinh nghiệm xây dựng NTM của huyện là tạo đồng thuận cao trong Nhân dân, huy động đóng góp của DN, có gia đình ủng hộ cả tỷ đồng làm một tuyến đường cho xã” – ông Thành chia sẻ.
Tính đến tháng 3/2015, toàn TP có 109 xã đạt chuẩn NTM, đạt 28,23%. Ngoài ra, có 133 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 – 18 tiêu chí và phấn đấu có 57 xã về đích NTM trong năm nay. Theo đánh giá của BCĐ Chương trình 02 TP, trong bối cảnh kinh phí của TP khó khăn, các huyện, thị xã đã chủ động bố trí nguồn vốn của địa phương và huy động các nguồn vốn xã hội hóa khác. Đồng thời tập trung chỉ đạo và thực hiện phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2015, tiêu biểu như các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng…
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Khác với những năm trước, năm nay, đến hết quý III, công tác đánh giá chấm điểm xã NTM sẽ được triển khai. Theo đại diện các huyện, thị xã, để đạt được mục tiêu đề ra, TP cần có hướng tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa hay có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, một số địa phương cũng đề nghị Sở NN&PTNT sớm có quy định hướng dẫn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Về kiến nghị của các địa phương, theo đại diện Sở Tài chính, qua làm việc với một số huyện, kinh phí thực hiện xây dựng NTM đều thấp hơn so với đề án ban đầu. Ông Nguyễn Duy Phong – Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, thời điểm hiện nay, các vướng mắc về cơ chế tài chính cơ bản đã được xử lý xong, chỉ còn khó khăn về nguồn kinh phí. TP cũng đã ứng trước 500 tỷ đồng kinh phí xây dựng NTM cho năm 2015 và đến nay, Sở Tài chính đã phân bổ đầy đủ cho các địa phương. Theo ông Nguyễn Duy Phong, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện xã hội hóa huy động đóng góp của người dân tham gia xây dựng NTM là rất quan trọng.
Tại hội nghị giao ban quý I Chương trình 02 mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, sát sao các xã đăng ký phấn đấu về đích NTM trong năm 2015. Trong đó xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm ưu tiên nguồn lực cho các xã gần đạt 19 tiêu chí, tập trung vào các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh bức xúc. Đồng thời phát huy mạnh mẽ nguồn lực tổng thể trong xây dựng NTM. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các sở, ngành của TP tích cực vào cuộc kiểm tra, rà soát, tham mưu TP tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho xây dựng NTM tại các địa phương.