Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bám sát định hướng đổi mới kiểm tra

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1 - 30/4, học sinh (HS) lựa chọn môn thi và đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Đ...

Kinhtedothi - Từ 1 - 30/4, học sinh (HS) lựa chọn môn thi và đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi 2 mục đích, nên công tác tư vấn, hướng dẫn HS lựa chọn môn thi đúng năng lực, sở trường và công tác ôn tập được các nhà trường đặc biệt chú trọng.

Môn tự nhiên chiếm đa số

 Ngoài 3 môn thi bắt buộc (Văn, Toán, Ngoại ngữ), HS bắt đầu đăng ký môn thi tự chọn (Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học). Khảo sát sơ bộ ở một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội như Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), Phổ thông liên cấp Wellspring; Đinh Tiên Hoàng; Nguyễn Trãi (quận Ba Đình)… cho thấy, xu hướng lựa chọn của HS không khác nhiều so với những năm trước, chủ yếu nghiêng về khối A, D1.
Giờ ôn tập của học sinh trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm. 	Ảnh: Phạm Hùng
Giờ ôn tập của học sinh trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Ông Đặng Đình Đại – Hiệu trưởng trường THPT Wellspring cho biết, ngoài 3 môn bắt buộc, môn thi được HS của trường lựa chọn nhiều nhất là Địa lý, rất ít HS đăng ký thi môn Lịch sử. Ông Đại lý giải, HS ít chọn môn này bởi câu hỏi, cách hỏi cũ, yêu cầu thí sinh phải nhớ các mốc lịch sử, ngày nào, thời điểm nào… Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh năm nay có 600 HS lớp 12, chỉ duy nhất một em chọn môn Lịch sử. Trong số các môn thi tự chọn thì Vật lý chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp đến là Hóa học, Sinh học, môn Địa lý có khoảng 50 - 60 HS đăng ký dự thi. Trong khi đó, ông Hà Tu Tập – Hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn lại cho biết, trường có 555 HS thì có gần 100 HS đăng ký thi Địa lý, 18 HS chọn môn Lịch sử. “Với những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia, ngay cuối học kỳ I, trường đã tổ chức họp, thông báo, phân tích tới từng phụ huynh HS thông hiểu tính chất kỳ thi tới. Qua đăng ký sơ bộ, trường có hơn 30 HS đăng ký chỉ xét tốt nghiệp (chiếm 6%), còn lại thi ĐH” – ông Tập chia sẻ. Tìm hiểu tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng cho thấy, trong các môn tự chọn, Vật lý được đăng ký nhiều nhất, và ít nhất là môn Sinh học. Khoảng 20% HS chọn môn Địa lý và khoảng 10% chọn môn Lịch sử. Trường có 20% HS thi tại cụm tỉnh, 80% thi liên tỉnh. Như vậy, dù tỷ lệ HS lựa chọn các môn thi tự chọn có khác nhau, song có thể thấy, các môn học tự nhiên vẫn chiếm đa số.

Ít học sinh vẫn tổ chức lớp ôn

Đồng hành với việc hướng dẫn Quy chế thi, giúp HS lựa chọn môn thi, các trường của Hà Nội cũng đã lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho HS lớp 12. Trường Lương Thế Vinh phân HS theo các môn tự chọn để ôn tập, trường Đinh Tiên Hoàng thì cố gắng kết thúc các môn học vào cuối tháng 3 để tập trung ôn thi từ đầu tháng 4, trường Sóc Sơn, ngay từ đầu học kỳ II, song song với chương trình chính khóa đã cho HS đăng ký ôn tập theo môn tự chọn… Tuy nhiên, điều mà lãnh đạo các nhà trường lo ngại là việc đăng ký lệch nhau khá rõ rệt giữa các môn thi. Có những môn thi chỉ có vài HS/lớp đăng ký, điều này nảy sinh khó khăn khi tổ chức ôn tập.

Ông Đại cho biết, việc tổ chức ôn thi rất khó khăn, những môn mà HS đăng ký đông thì không vấn đề gì, những môn như Sinh học, Lịch sử chỉ vài HS đăng ký, rất khó bố trí để vừa dạy chương trình bình thường, vừa bổ sung nội dung ôn tập cho vài HS. Về vấn đề này, lãnh đạo trường THPT Sóc Sơn cho biết, nhà trường không ép buộc HS lựa chọn môn thi mà để các em tự lựa chọn theo năng lực, sở trường và nguyện vọng của mình, trường sẽ khắc phục khó khăn, tất cả vì HS. Bản thân thầy cô giáo cũng không kém phần lo lắng trước kỳ thi “2 trong 1” lần đầu tiên này. Ông Nguyễn Tôn Vinh - Hiệu trưởng trường THPT Đống Đa cho biết, trước yêu cầu đổi mới của kỳ thi năm nay, giáo viên bắt buộc phải đáp ứng chuyên môn cao hơn khi vừa phải đảm bảo HS đỗ tốt nghiệp, vừa phải đủ điều kiện trúng tuyển ĐH. “Năm nay, không thể đẩy các em ra lò luyện thi, mà chính giáo viên lớp 12 phải có trách nhiệm bồi dưỡng cho các em đủ điều kiện dự thi. Trường đã khảo sát sớm và rất quan tâm tới những HS đăng ký thi môn Lịch sử, Địa lý. Mặc dù có thể rất ít HS đăng ký dự thi những môn này, nhưng nhà trường vẫn sẽ bố trí giáo viên hướng dẫn đầy đủ cho các em sau khi hoàn thành chương trình chính khóa” - ông Vinh cho hay.

Trước những đổi mới của kỳ thi, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, các trường cần hướng dẫn HS nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt. Thầy cô cần phổ biến cho HS kỹ năng làm bài, đảm bảo cho HS có đủ kỹ năng dự thi, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm. Các nhà trường đảm bảo ổn định tâm lý của cả giáo viên và HS, duy trì nếp học các môn hiệu quả, bám sát định hướng đổi mới phương pháp kiểm tra để có một kỳ thi đạt hiệu quả cao.