Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản chất thị trường con gấu, hướng đi nào cho nhà đầu tư?

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - VN Index đã giảm 7 tuần liên tiếp, thổi bay 24% khi rơi từ 1.530 điểm về 1.160 điểm. Thậm chí mốc 1.200 điểm vốn là hỗ trợ mạnh có khi cũng không giữ được. Theo chuyên gia chứng khoán SSI, hiện tượng này đã hình thành thị trường con gấu. Vậy nhà đầu tư nên làm gì?

Thị trường con gấu là bình thường

Hai tháng vừa qua là khoảng thời gian khủng hoảng đối với nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán (TTCK) khi liên tục chứng kiến thị trường rơi không phanh. Tính đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã giảm 7 tuần liên tiếp, thổi bay 24% khi rơi từ 1.530 điểm về trên 1.200 điểm, thậm chí có khi mốc 1.200 điểm vốn là hỗ trợ mạnh cũng không giữ được. Tất cả các cổ phiếu bất kể tốt xấu ra sao, đều mất điểm.

TTCK giảm mạnh hơn 20%, bước vào thị trường con gấu. Ảnh SSI.
TTCK giảm mạnh hơn 20%, bước vào thị trường con gấu. Ảnh SSI.

Tuy nhiên, NĐT cũng đã biết thị trường là những con sóng tăng - giảm xen kẽ, có những đợt sóng tăng vũ bão thì cũng sẽ có những đợt sóng giảm mạnh khiến NĐT không khỏi bất ngờ.

Theo chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhận định: TTCK đã rơi vào trạng thái thị trường con gấu. Theo đó, thị trường con gấu là thị trường trải qua sụt giảm kéo dài, xảy ra khi thị trường chung giảm hơn 20% so với mức đỉnh trước đó trong bối cảnh tâm lý NĐT bi quan và tiêu cực lan rộng. Trong thị trường con gấu, cổ phiếu giảm trung bình 36%.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/5/2022, VN-Index đóng cửa có thể thấy thấp nhất trong tháng 5 tại 1.182 điểm, tương đương với mức giảm hơn 22% kể từ vùng đỉnh 1.530 điểm.

Theo chuyên gia, thị trường con gấu là điều hết sức bình thường. Nhìn lại VN-Index từ thời điểm hình thành đến nay, VN-Index đã trải qua 7 lần ở thị trường con gấu với mức giảm hơn 20%. Tuy nhiên, cũng có 8 lần thị trường tăng mạnh (gọi là thị trường bò tót, với mức tăng hơn 20%). Xét trong thời gian dài hạn, cổ phiếu đi lên theo sự phát triển của nền kinh tế.

Thị trường con gấu thường tồn tại trong thời gian ngắn, khoảng 289 ngày, tương đương 9,6 tháng. Con số này ngắn hơn đáng kể so với độ dài trung bình của một thị trường tăng giá, là 991 ngày, tương đương 31 tháng.

Cứ 3 năm một lần là tần suất trung bình giữa các thị trường con gấu. Nhìn danh mục đầu tư giảm khi thị trường rơi điểm là điều chẳng ai mong muốn, nhưng điều quan trọng NĐT cần lưu ý là thị trường giảm luôn là một phần của quá trình đầu tư.

Thị trường con gấu là một giai đoạn khó khăn, nhưng nếu xét về dài hạn, thị trường đi theo hướng tích cực phần lớn thời gian. Nhìn lại VN Index, giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008 khi thị trường mất 80% giá trị, VN-Index vẫn hồi phục và vượt đỉnh mọi thời đại.

Việc phân loại thị trường con gấu không phải đề khiến NĐT lo lắng hay bi quan, mà là thước đo để chúng ta biết khi nào nên giữ vị thế danh mục và tìm cơ hội vượt qua giai đoạn này bằng cách nào ít tổn thất về vốn.

Hành động trong thị trường con gấu

Theo thống kê từ SGI Capital, trong 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 3 lần sụt giảm mạnh đưa định giá P/E về mức rất rẻ. Cụ thể, lần 1 vào cuối năm 2012: Với tâm điểm là cuộc khủng hoảng hệ thống Ngân hàng, nợ xấu lên tới 17%, lãi suất tiền gửi tăng lên 14%/năm, thị trường bất động sản giảm mạnh và mất thanh khoản. Doanh nghiệp của hầu hết mọi ngành nghề chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ số VN-Index giảm 25%.

Lần 2 vào đầu năm 2016, dưới áp lực của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và ngừng nới lỏng định lượng tài chính khiến cho dòng tiền rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi, trong khi đồng Nhân dân tệ giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh gây áp lực lớn lên tỷ giá VND và nền kinh tế Việt Nam. VN-Index giảm 18%.

Lần 3 vào tháng 3/2020 do đại dịch Covid-19 lan rộng gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu nghiêm trọng. VN-Index giảm 34%. Những lần suy giảm lớn này đều đưa định giá P/E của VN-Index về dưới 12.x và mở ra cơ hội đầu tư rất tốt sau đó với mức tăng 35-80% sau 1 năm.

Những nấc thang tăng trưởng của TTCK qua các giai đoạn. Ảnh SSI.
Những nấc thang tăng trưởng của TTCK qua các giai đoạn. Ảnh SSI.

SSI đã đưa ra những khuyến nghị đối với nhà đầu tư khi thị trường con gấu để có hiệu quả đầu tư cao và tránh rủi ro. Cụ thể, đối với nhà đầu tư dài hạn, không dùng margin và đang còn tiền mặt. Đây là nhóm nhà đầu tư thoải mái nhất về mặt tâm lý, với định giá của thị trường thời điểm hiện tại, có thể lên danh mục các cổ phiếu cơ bản để giải ngân khi thị trường xác nhận tạo đáy hoặc tiến hành mua gom theo tỷ lệ 5-10% vào các phiên giảm sâu khi PE thị trường về vùng 12.x và có thể thị trường còn giảm sâu về mức 10.x (ngang ngửa đợt Covid-19).

Đặc biệt với các nhà đầu tư theo trường phái giá trị và an toàn, nhóm cổ phiếu VN30 là nhóm có thể cân nhắc, bởi xét về kết quả kinh doanh quý 1, phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhóm VN30 đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 75.300 tỷ đồng, tăng 24%, tương ứng tăng 14.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, đà giảm gần đây đã đẩy PE về mức 13.x.

Đối với NĐT giao dịch năng động, có sử dụng vay margin: Margin là con dao hai lưỡi, nên khi thị trường giảm điểm hay điều chỉnh, nhà giao dịch cần hạ tỷ trọng margin để bảo vệ vốn. Từ đó, khi thị trường tạo đáy và các cổ phiếu hình thành nền giá, NĐT cần có vốn để mua vào. Do vậy, khi chỉ số chung chưa tạo đáy thành công, NĐT cần hạ tỷ trọng margin và nâng cao tỷ trọng tiền mặt để giữ an toàn tài khoản.

Ngoài ra, NĐT cần hạn chế mua bắt đáy, vì cổ phiếu tuy đã rẻ nhưng vẫn có thể rẻ hơn được nữa do hiện tượng force sell (thanh lý bắt buộc) khi thị trường giảm và tâm lý tiêu cực của NĐT. Để bắt đầu giao dịch, NĐT cần có tín hiệu tạo đáy là phiên bùng nổ theo đà quen thuộc đó là chỉ số tăng điểm mạnh cùng với khối lượng và giá trị thanh khoản tăng đột biến. Hiện giờ, thị trường mới chỉ có ngày nỗ lực phục hồi, nhưng thanh khoản thấp và vẫn có phiên giảm điểm xen kẽ, do đó NĐT tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi.