Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) Lê Đình Quảng cho rằng, khi Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương của DN thì vai trò của tổ chức Công đoàn và người lao động (NLĐ) càng phải nâng lên.
Dự thảo BLLĐ quy định mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc đơn giản trong điều kiện lao động bình thường. Có ý kiến cho rằng với cách điều chỉnh này, NLĐ không còn vòng bảo vệ như hiện nay?
- Về cơ bản, chương Tiền lương trong dự thảo BLLĐ đã đáp ứng tinh thần chỉ đạo ở Nghị quyết số 27 của T.Ư về chính sách tiền lương. BLLĐ hiện hành quy định: "Mức lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ". Nhưng thật khó xác định được nhu cầu sống tối thiểu. Cho nên, thực hiện tinh thần Nghị quyết 27, dự thảo BLLĐ quy định: "Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường". Kèm theo đó, 5 yếu tố được lấy làm căn cứ xác định, điều chỉnh tiền lương tối thiểu; trong đó có yếu tố "Mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ". Quả thật, Tổng Liên đoàn đang băn khoăn về mặt kỹ thuật ở yếu tố này. Chúng tôi mong muốn, tiền lương tối thiểu vẫn phải đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Trong 5 yếu tố để lấy làm căn cứ xác định, điều chỉnh tiền lương tối thiểu, có yếu tố “Khả năng chi trả của DN", liệu sẽ tạo kẽ hở để chủ sử dụng không trả lương thỏa đáng cho NLĐ?
- Quá trình thương lượng tiền lương tối thiểu vùng trong nhiều năm cho thấy: Bên Công đoàn luôn tập trung đấu tranh, bảo lưu quan điểm mức lương tối thiểu chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Nhưng bên đại diện DN lập luận, tăng lương sẽ không có khả năng chi trả. Vì vậy, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu cũng phải tính đến sức khỏe của DN. Theo đó, nên lấy DN có sản xuất, kinh doanh ở mức độ trung bình làm căn cứ. Nhưng, để xác định tiêu chí này, thường là cảm tính nhiều hơn lý tính.
Nghị quyết 27 của T.Ư nêu rõ, từ năm 2021, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN. Lúc này tổ chức Công đoàn có vai trò thế nào để NLĐ nhận được mức lương thỏa đáng?
- Nhà nước giảm dần sự can thiệp trực tiếp vào việc trả lương cho NLĐ là xu hướng tiến bộ trong cơ chế thị trường. Tiền lương tối thiểu chỉ là sàn thấp nhất, vì thế cần phải thương lượng, mặc cả giá cả sức lao động. Vai trò của Công đoàn càng phải được nâng cao, trong đó lớn nhất là thương lượng mặc cả tiền lương bằng thỏa ước lao động tập thể. Khi một NLĐ thương lượng với chủ sử dụng lao động sẽ khó khăn hơn nhưng khi cả tập thể lao động do Công đoàn đại diện thì sẽ thực hiện được.
Thứ nữa, bản thân NLĐ cũng phải nhận thức mình có quyền thương lượng về tiền lương, được ghi vào hợp đồng lao động. Lâu nay lao động phổ thông chưa thấy được giá trị của mình, khi đi tuyển dụng không dám mặc cả tiền lương mà đồng ý với mức DN đưa ra. Để NLĐ thỏa thuận được tiền lương thỏa đáng, cũng cần có sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn trong việc cung cấp thông tin, quyền và nghĩa vụ.
Trong kỳ họp Quốc hội lần này sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, sẽ tác động như thế nào đối với NLĐ?
- Công ước 98 về thương lượng tập thể có nội dung rất tiến bộ, tập trung vào việc bảo đảm cho thương lượng tập thể thực chất hơn, tránh can thiệp, thao túng của chủ sử dụng lao động. Trong bối cảnh hội nhập, Công đoàn cũng ủng hộ việc phê chuẩn Công ước 98 với hy vọng góp phần thương lượng và thỏa ước lao động tập thể thực chất hơn so với hiện nay. Nhưng thách thức lớn nhất là thể chế chính trị của nước ta quy định, Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội. Khi tham gia Công ước 98, trong bối cảnh hiện nay việc có thêm các tổ chức khác trong DN sẽ gặp nhiều vấn đề. Do đó chúng ta phải tháo gỡ để mục tiêu cuối cùng là quan hệ lao động phải hài hòa, ổn định và tiến bộ.Xin cảm ơn ông!