Theo khảo sát 15.000 nhà bán hàng của nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh - Công ty CP Công nghệ Sapo, doanh thu trung bình năm 2023 của phần lớn cửa hàng sụt giảm trên 30% so với năm 2022 (chiếm 28,5%). Tổng tỷ trọng nhà bán hàng ghi nhận sự giảm sút doanh thu chiếm tới 60,99%. Các chủ cửa hàng có xu hướng cắt giảm nhân viên, thể hiện ở tỷ lệ cửa hàng có dưới 5 nhân viên tăng lên (chiếm 69,64%). Đặc biệt, sự gia tăng của mô hình cửa hàng không có nhân viên - chủ cửa hàng tự vận hành (9,27%)...
Giám đốc kinh doanh Sapo Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, điểm sáng lớn nhất của ngành bán lẻ năm 2023 là sự chuyển dịch sang mô hình kinh doanh bền vững hơn. Một số chuyển dịch từ mô hình cá nhân (không đăng ký kinh doanh) sang mô hình hộ kinh doanh cá thể, hoặc công ty.
Nhóm bán hàng có doanh thu trung bình 2023 ở mức 500 triệu - 1 tỷ và trên 2 tỷ đồng đã tăng 3% so với năm 2022. Tuy giá trị đơn hàng trung bình có dấu hiệu sụt giảm (dưới 300.000 đồng/đơn), nhưng nhóm có doanh thu cao trong ngành Bán lẻ lại tăng lên...
Xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt. 55,4% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh - tại cửa hàng và một số kênh online. Bán hàng đa kênh được xác định là “cứu cánh" trong tình hình kinh tế nhiều biến động, giá thuê mặt bằng đang có sự trồi sụt thất thường, sự siết chặt quy định trên các sàn thương mại điện tử lớn...
Về nguồn vốn, Giám đốc Sapo Money (thanh toán và vay vốn) Vũ Thị Hiền cho biết, 67% nhà bán hàng chủ động được vốn tự có, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm đang kinh doanh đa kênh (54%), thời gian kinh doanh trên 3 năm (58%). 11% nhà bán hàng gặp hạn chế khi vay, phần lớn là loại hình hộ kinh doanh. Có 7% nhà bán hàng không thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, chủ yếu là loại hình công ty.
Doanh thu trong nhóm nhà bán hàng gặp nhiều hạn chế khi vay vốn đang chiếm tỷ lệ rất cao (40,54%), tỷ lệ này trong nhóm nhà bán hàng tiếp cận nguồn vốn tốt chỉ là 21%. Mặt khác, nhóm nhà bán hàng chủ động được nguồn vốn cũng tin tưởng việc kinh doanh sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2024, 43% trong số đó có dự định mở rộng kênh bán hàng và đa dạng mặt hàng kinh doanh. Điều đó cho thấy, vai trò quan trọng của nguồn vốn để duy trì hoạt động, quyết định khả năng gia tăng doanh thu.
Từ thực tế, bà Thu Hương đưa ra dự đoán 3 xu hướng sẽ dẫn đầu ngành Bán lẻ trong năm 2024. Một là, mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến đang chiếm ưu thế về hiệu quả doanh thu và chi phí tiếp thị.
Hai là, Shoppertainment & Edutainment (mua sắm thích hợp giải trí và giáo dục giải trí) là xu hướng không thể bỏ qua trong ngành bán lẻ. Mua sắm tích hợp với trải nghiệm giải trí, sáng tạo nội dung số mang tính chất giáo dục sẽ đi kèm với tiếp thị sản phẩm hấp dẫn, thu hút.
Ba là, quét mã QR sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong số các hình thức thanh toán không tiền mặt. Các doanh nghiệp công nghệ sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính để bắt nhịp xu hướng thanh toán của thị trường, đưa ra các giải pháp hỗ trợ toàn diện...