Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán tháo BĐS giảm khi ngân hàng cho vay trở lại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kể từ khi văn bản 8844 của Ngân hàng nhà nước loại 4 hạng mục vay ra khỏi nhóm phi sản xuất, nhiều ngân hàng như An Bình, Ocean Bank và các công ty tài chính khác cũng đã bắt đầu mở cửa cho vay trở lại.

Với một số “chuyên gia lướt sóng” BĐS chót vay vốn đầu tư giờ đang đứng trước áp lực phải trả nợ thì đây là một lối thoát hiểm khá may mắn khi được vay tiền từ ngân hàng, thay vì vay tín dụng đen để trả nợ.

Tín dụng đen không phải lối thoái hiểm

Nhiều “chuyên gia lướt sóng” cực chẳng đã phải trở thành nhà đầu tư dài hạn do không thoát được hàng. Bị các chủ đầu tư ép nộp tiền theo tiến độ, trong khi các thửa đất trước kia là “bờ xôi ruộng mật” thì nay mất thanh khoản, rao bán cả tháng chẳng có người mua, tìm đến ngân hàng vay thì bị từ chối, vì vậy không ít người đã buộc phải vay từ nguồn tín dụng đen.

Trung tuần tháng 9, tại thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) đã rúng động bởi vụ vỡ nợ của một doanh nhân trẻ tiêu biểu của huyện Đan Phượng là Tạ Việt Quang (sinh năm 1975) và Bùi Thị Quyên. Hai vợ chồng Quang - Quyên đã vay tiền của nhiều người cùng với hứa hẹn trả lãi suất cao và mất khả năng thanh toán với số nợ lên khoảng 500 tỉ đồng.

Theo lời khai của Tạ Việt Quang thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vỡ nợ là do vợ chồng Quang đã vay tiền ngân hàng để kinh doanh BĐS. Khi thị trường BĐS xuống giá không bán được, thêm vào đó ngân hàng đốc thúc thu nợ vì vậy Quang đã vay tín dụng đen với lãi suất 5 triệu đồng/ngày tương đương với 15-21%/tháng để có tiền trả nợ vào ngân hàng.

Trên thực tế, việc dùng đột ngột cho vay mấy tháng trước của một số ngân hàng thương mại đã khiến tín dụng đen lên ngôi trở thành cửa duy nhất cho người quá cần tiền. Nhưng cũng vì tín dụng đen mà nhiều người lâm vào gánh nặng nợ nần và sạt nghiệp.

Giảm bán tháo

Kể từ khi văn bản 8844 của Ngân hàng nhà nước loại 4 hạng mục vay ra khỏi nhóm phi sản xuất, nhiều ngân hàng đã mở cửa cho vay trở lại

Với một số “chuyên gia lướt sóng” BĐS chót vay vốn đầu tư giờ đang đứng trước áp lực phải trả nợ thì đây là một lối thoát hiểm khá may mắn khi được vay tiền từ ngân hàng, thay vì vay tín dụng đen để trả nợ.

Theo chị Nguyễn Hạnh Minh -Giám đốc Cty BĐS Minh Khang – Cầu Giấy – Hà Nội, đã có thời điểm ngân hàng khan hiếm vốn, siết chặt tín dụng BĐS, không ít nhà đầu tư đã phải vay tiền đáo nợ ngân hàng với mức lãi lên tới 100 triệu đồng cho khoản vay 1 tỉ đồng/tháng. Chính vì vậy, khá nhiều người đã chấp nhận bán lỗ thậm chí tới 1 tỉ đồng/lô đất nền để cắt lỗ. Tuy nhiên, khi ngân hàng phát đi tín hiệu cho vay, tâm lý nhà đầu tư đã thay đổi vì nếu ngân hàng cho vay với mức lãi suất hiện này 24-25%/năm thì một năm trả lãi cho 1 tỉ đồng, khách hàng chỉ phải trả 200 triệu đồng tiền lãi. Vì vậy, nhiều người đã quyết định dừng bán ra và chờ cơ hội trong thời gian tới.

Khảo sát tại một số chợ đất lớn tại Hà Nội, tuần nay lượng hàng chào bán tại một số dự án đã giảm đặc biệt một số lô đất bán tháo gần như không còn như Geleximco khi C, D giá nhỏ 38 triệu đồng/m2, đường to 45-48 triệu đồng/m2. Dự án Vân Canh đường nhỏ gần 40 triệu đồng/m2, đường to 45-48 triệu đồng/m2, dự án Văn Phú đường to hiện đang được chào bán mức giá 58-60 triệu đồng/m2, đường nhỏ 52-55 triệu đồng/m2, dự án An Hưng liền kề giữ giá mức 65-67 triệu đồng/m2, biệt thự 52-55 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Trọng Ký - Phó tổng giám đốc công ty BĐS Techcovina cho biết, nguyên nhân tình trạng giảm bán tháo là do một số nhà đầu tư quá cần tiền để trả nợ vay ngân hàng nên bằng mọi giá buộc chấp nhận bán. Tuy nhiên đến thời điểm này hạn chót cho các khoản vay đáo hạn chỉ còn vài ngày nữa. Vì vậy, những trường hợp buộc phải bán tháo BĐS để trả nợ sẽ không còn nhiều và những nhà đầu tư nào đã cầm cự được đến thời điểm này chắc chắn họ sẽ không phải bán rẻ nữa. Do đó, thị trường trong thời gian tới cũng sẽ giảm nhiều áp lực khó khăn.

Một số chuyên gia BĐS đánh giá, mặc dù lãi suất cho vay người mua nhà vẫn ở mức cao trên dưới 20% nhưng dù sao thì ở một góc độ nào đó nó cũng là một chiếc phao cứu sinh cho những người đang là con nợ của tín dụng đen.