Lo ngại về an toàn bệnh viện
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, an ninh trật tự an toàn tại một số BV chưa được đảm bảo, trong quý I năm 2018 tiếp tục xảy ra nhiều vụ hành hung, tấn công thầy thuốc khi làm nhiệm vụ tại BV sản nhi Yên Bái, BV đa khoa Bắc Kạn, BV đa khoa Hà Tĩnh, BV Xanh Pôn Hà Nội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, giám sát tại 7 tỉnh, địa phương rất bức xúc về vấn đề bác sĩ bị đánh, do đó cần có những giải pháp khắc phục, an ninh trong BV cần có tiếng nói để thay đổi nhận thức.“Có khép được tội tấn công bác sĩ, người thi hành công vụ hay không, bởi không thể chỉ xử lý hành chính về tội gây rối mất trật tự xã hội” - ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề. Từ đó đề nghị, cần có lực lượng pháp chế để bảo vệ bác sĩ. ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, an ninh an toàn ở các cơ sở y tế thời gian qua dù nỗ lực, nhưng có sự làm cho qua chuyện, đối phó. Phải làm nóng và cả xã hội phải vào cuộc xem xét, bởi ngành công an không đủ người để đưa 1 - 2 chiến sĩ vào tăng cường lực lượng cho BV, do đó phải giải quyết toàn cục.
“Không bảo vệ bác sĩ là tự ghè đá vào chân mình, người dân chịu thiệt thòi đầu tiên, vì bảo vệ bác sĩ là bảo vệ cho chính mình. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải được đặt lên hàng đầu, lập an toàn cho cơ sở y tế, các BV. Chính phủ phải có chỉ đạo yêu cầu cấp chính quyền địa phương vào cuộc chứ mỗi ngành y tế và công an thì không giải quyết được” - đại biểu nêu.Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đang cảm thấy đơn độc trong cuộc chống bạo lực. “Chính quyền, MTTQ và báo chí phải vào cuộc cùng. Bác sĩ có võ cũng không ăn thua, nhưng lực lượng 113 đi tuần tra thì giải quyết được. Ban đêm bác sĩ kêu thì ai đến cứu?” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói. Đồng thời cho rằng, hiện lượng công an biên chế có tại xã, phường được trả lương với các chế độ khác, nên nếu lực lượng này đi tuần tra thì phát huy hiệu quả.Quản lý thuốc chưa chặt chẽVề vấn đề quản lý thuốc, trước tình trạng hệ thống phân phối thuốc, các nhà thuốc chưa được quản lý chặt chẽ, vẫn còn thuốc kém chất lượng, thuốc giả trên thị trường; việc lạm dụng kháng sinh bán thuốc không cần, không theo đơn vẫn còn phổ biến... các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Đàm phán giá thuốc còn chưa phát huy hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Một số biệt dược nhập khẩu từ nước ngoài chưa quản lý tốt về chất lượng và giá thuốc; còn tình trạng thuốc giả bán trên thị trường, vừa qua việc thuốc ung thư làm bằng bột than tre quá nguy hiểm. “Thuốc là vấn đề liên quan đến sức khỏe con người, nhưng có chuyện lạ ở Việt Nam là mua thuốc gì cũng được và thuốc gì cũng có, rồi quảng cáo tràn lan” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi bày tỏ.Đề cập đến việc có thuốc giả, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng thừa nhận là có và thế giới cũng có, có điều ở mức độ nào? Mỗi năm ngành y lấy 40.000 mẫu để kiểm tra, thuốc giả bị phát hiện chiếm tỷ lệ là 0,02%, thấp hơn so với quốc tế. Trong công tác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, ông Tuấn cũng cho biết, năm 2017, tổng tiết kiệm chi quản lý hành chính được 4,57 tỷ đồng so với dự toán được giao. Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia giúp tiết kiệm được 17% so với giá kế hoạch.