Nền kinh tế Nga tiếp tục vượt qua khó khăn và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, The Economist đã nhận định như vậy trong một bài xã luận vào cuối tuần trước.
Tờ báo Anh cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga đang khiến các nước phương Tây cũng như một số tổ chức kinh tế bất ngờ trong bối cảnh nước này phải hứng chịu sức ép lớn từ hàng loạt lệnh cấm vận liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Theo The Economist, hiệu quả kinh tế của Moscow dường như đang phục hồi về mức trước khi bùng phát xung đột.
Tờ báo lưu ý rằng Nga đã tìm cách kiềm chế lạm phát, vốn là nguyên nhân gây lo ngại vào cuối năm 2023. “Số liệu CPI trong tháng 2 dự kiến công bố vào ngày 13/3 được dự báo chỉ tăng 0,6% so với tháng 1, giảm từ mức 1,1% vào cuối năm ngoái” - The Economist cho hay.
Tuần báo Anh ghi nhận thành công này là nhờ hành động kịp thời của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nga. Việc kiểm soát tỷ giá hối đoái của Bộ Tài chính Nga đã hỗ trợ đồng ruble và giảm giá hàng nhập khẩu. Trong khi đó, quyết định tăng gấp đôi lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga đã kiềm chế lạm phát.
The Economist cho biết, nền kinh tế Nga đang trên đà đạt mục tiêu “hạ cánh mềm”, với lạm phát hạ nhiệt song không gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. GDP của Nga tăng hơn 3% trong năm ngoái, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục. Theo báo cáo, tỷ lệ dừng hoạt động của các doanh nghiệp cũng ở mức thấp nhất trong 8 năm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nga cũng đối phó hiệu quả sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách thiết lập “chuỗi cung ứng bền vững với các quốc gia ‘thân thiện’”. Khi mối quan hệ thương mại với các nước này được đảm bảo, các nhà xuất khẩu Nga đang thu hẹp dần chính sách giảm giá đối với hàng hóa vốn được áp dụng sau lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Cụ thể, mức chiết khấu giá dầu mà Nga cung cấp cho khách hàng Trung Quốc đã giảm từ hơn 10% vào đầu năm 2022 xuống còn khoảng 5% hiện nay” - The Economist dẫn chứng, đồng thời cho biết thêm rằng các chính sách mới đang giúp tăng doanh thu và lợi nhuận cho các doanh nghiệp Nga.
Theo The Economist, nền kinh tế Nga “một lần nữa trở lại đúng hướng” và dường như đang chứng minh rằng những người đã đưa ra những cảnh báo bi quan đã sai.
Trước đó, phát biểu tại một sự kiện ở TP Tula hồi đầu tháng này, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, nền kinh tế Nga tiếp tục phát triển và đã trở thành nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ năm trên thế giới xét về sức mua tương đương (PPP).
PPP là một thước đo phổ biến với nhiều nhà kinh tế để so sánh năng suất kinh tế và mức sống giữa các quốc gia bằng cách điều chỉnh sự khác biệt về chi phí hàng hóa và dịch vụ.
Theo Tổng thống Putin, nền kinh tế Nga đã thể hiện sự ổn định, không giống như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hiện đang rơi vào suy thoái. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: “Các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế Mỹ và EU là tốt, họ [các nền kinh tế] sẽ tăng trưởng, nhưng ngày nay họ đang ở mức đáy, trong khi chúng ta đang trỗi dậy”.
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi nền kinh tế Nga đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều dự đoán của chuyên gia. Đồng thời, IMF đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga, dự đoán GDP của nước này sẽ tăng 2,6% trong năm nay. Ước tính này tăng mạnh so với dự báo tháng 10 là tăng trưởng 1,1%. Dự báo cho năm 2025 cũng tăng 0,1% so với ước tính hồi tháng 10, lên 1,1%.
Theo số liệu sơ bộ, Bộ Kinh tế Nga dự kiến GDP của nước này sẽ tăng 2,3% trong năm nay, sau mức tăng trưởng 3,5% vào năm 2023.