Mỹ cảnh báo trừng phạt "rắn" ngân hàng EU dính líu tới Nga

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Washington đã đưa ra cảnh báo đối với ngân hàng Raiffeisen của Áo khi vẫn tiếp tục hoạt động tại nước này.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen của Áo – ngân hàng nước ngoài lớn nhất ở Nga, có nguy cơ bị loại khỏi hệ thống tài chính của Mỹ nếu bị phát hiện có tài trợ cho quân đội Nga.

Anna Morris, quan chức cấp cao của cơ quan này, cho biết: “Là một phần trong nỗ lực gia tăng các lệnh trừng phạt của Washington, lời cảnh báo trên nhằm thúc giục các ngân hàng Áo tăng cường rà soát hoạt động kinh doanh có liên quan đến Nga và thực hiện các biện pháp giảm thiểu cần thiết".

Phương Tây đang nhắm vào những ngân hàng vẫn còn hoạt động tại Nga. Ảnh: RT
Phương Tây đang nhắm vào những ngân hàng vẫn còn hoạt động tại Nga. Ảnh: RT

Theo trang web EUobserver, Raiffeisen xác nhận đã trao đổi với Mỹ về các biện pháp trừng phạt tiềm năng đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng này tại Nga. Tuy nhiên, gã khổng lồ trong lĩnh vực ngân hàng không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc trao đổi trên, cho biết đây là nguyên tắc nghiệp vụ.

Raiffeisen là một trong những ngân hàng cuối cùng của phương Tây còn hoạt động tại Nga. Đây cũng là một trong hai ngân hàng nước ngoài nằm trong danh sách 13 tổ chức tín dụng quan trọng của Ngân hàng TƯ Nga. Ngân hàng còn lại là UniCredit của Ý.

Ngân hàng đa quốc gia ING có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan, công ty Commerzbank và tập đoàn Deutsche Bank của Đức, Ngân hàng OTP của Hungary, Intesa SanPaolo của Ý và SEB của Thụy Điển cũng duy trì sự hiện diện trên thị trường Nga.

Vào tháng 9/2023, Raiffeisen đã công bố kế hoạch tách hoạt động kinh doanh tại Nga, trước áp lực ngày càng tăng từ các nước phương Tây. Tập đoàn RBI sở hữu ngân hàng này đã cố kháng cự lại các yêu cầu từ Mỹ và EU buộc đẩy nhanh việc rời khỏi Nga.

Quan chức Bộ Tài Chính Mỹ cũng đã cảnh báo các ngân hàng Đức về những lệnh trừng phạt nếu họ còn dính líu đến người Nga - theo Commerzbank, ngân hàng đang cung cấp dịch vụ cho nhiều công ty Đức hoạt động tại Nga.

Khi được hỏi liệu có lo ngại về các lệnh trừng phạt tiềm năng của Mỹ hay không, ngân hàng Đức cho biết họ luôn tuân thủ các biện pháp trừng phạt cũng như đã chuẩn bị phương án nhằm giảm thiểu rủi ro nếu bị trừng phạt do có liên quan đến Nga.

Trong khi đó, ngân hàng ING của Hà Lan cho biết họ không cảm thấy lo lắng do đã tuân thủ mọi quy định trừng phạt của các tổ chức quốc tế, bao gồm các quy định của Liên Hợp Quốc, EU và Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC).