Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ

Thủy Tiên - Trần Thảo - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019 đã diễn ra Diễn đàn Báo chí – cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ với chủ đề “Báo chí, doanh nghiệp trong kỷ nguyên CPTPP”.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, nhà báo Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết, vấn đề phát triển DN luôn được Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, vì sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.
 Các đại biểu tại Diễn đàn Báo chí – cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ với chủ đề “Báo chí, doanh nghiệp trong kỷ nguyên CPTPP”. 
Đặc biệt, trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, báo chí càng có vai trò to lớn trong việc sát cánh cùng DN vượt qua các rào cản để hội nhập thành công.
Thời gian qua, báo chí đã có nhiều hoạt động thiết thực đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN, khẳng định mối quan hệ hai chiều, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau và cũng khẳng định vai trò cầu nối giữa DN với Chính phủ.
DN cần có báo chí, truyền thông để có thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh và để thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, để động viên, khích lệ những thành quả lao động sáng tạo của doanh nghiệp và người lao động. Báo chí coi DN, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, là nguồn cảm hứng để sáng tạo tác phẩm báo chí.
Với vai trò cầu nối, báo chí vừa tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân, trong tuyên truyền phát triển kinh tế, báo chí vừa phát hiện, biểu dương những DN có những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, những doanh nhân nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước... Đồng thời, đấu tranh phê phán những hoạt động sản xuất kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, huỷ hoại môi trường, v.v... Bên cạnh đó, báo chí cũng đã chia sẻ những khó khăn của DN, phản biện những chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp và phản biện những cách làm của chính các DN, vì sự phát triển và lợi ích chung của đất nước…
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những thuận lợi, khó khăn của DN Việt Nam trong kỷ nguyên CPTPP – sự đồng hành của báo chí; thảo luận những đóng góp của báo chí trong vai trò là cầu nối DN với Chính phủ; nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực cho công tác này trong thời gian tới.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) đã nêu vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kỷ nguyên CPTPP - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Theo TS Võ Trí Thành, CPTPP mang lại hiệu ích rất to lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở ra cơ hội kinh doanh, logictics,…

Trong đó, báo chí nên tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn các cam kết, nội dung trong hiệp định này, các xu hướng mới về thương mại đầu tư, dịch chuyển về công nghệ cao, cuộc CMCN 4.0, kinh tế số,… để có thể truyền tải một cách cụ thể, chính xác đến công chúng, doanh nghiệp.

Cũng theo TS Võ Trí Thành, hiện Chính phủ, nhà hoạch định chính sách thường dùng báo chí như một kênh quan trọng để thu thập thông tin, do vậy, nếu báo chí thiếu chính xác thì sẽ dẫn đến các quyết định của lãnh đạo sẽ thiếu chính xác. Cũng như vậy, vai trò của báo chí là “không thể thiếu” đối với doanh nghiệp, chuyên gia… Do vậy, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh đến yêu cầu về tính chính xác của thông tin báo chí đối với đòi sống kinh tế, xã hội. 

Tại diễn đàn, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) Hà Nội nêu những thuận lợi, khó khăn của DN hiện nay.

 Toàn cảnh diễn đàn

Ông Mạc Quốc Anh cho biết, hiện nay có tới 72% dân số Việt Nam dùng smartphone, từ trước tới nay có 80% quảng cáo của các kênh truyền thông và báo chí chính thống đến từ doanh thu quảng cáo.

Hiện nay, các DNVVN và các DN khởi nghiệp thường sử dụng các truyền thông về mạng xã hội để tiếp cận với người tiêu dùng. Mong thời gian tới, hội Nhà báo cũng như các cơ quan truyền thông báo chí chính thống có một giải pháp nào để cân bằng sự cạnh tranh giữa cơ quan truyền thông chính thông với các truyền thông về mạng xã hội.

Đây là kênh thu hút quảng cáo rất lớn. VD: Zalo hiện nay bỏ ra chi phí trung bình 17 USD cho một người dùng mới đối với phần mềm của zalo. Hoặc Youtube hay facebook, tính trung bình một DN khi người mới sử dụng hay quảng cáo trên những kênh đó, họ thường tốn từ 10-20 USD.

Đây là một sự cạnh tranh lớn đối với các kênh truyền thông từ trước đến nay chiếm hơn 80% doanh thu của các kênh báo chí chính thống. Mong có một giải pháp nào đó để cho các DN đặc biệt khối DNVVN cũng như DN khởi nghiệp có sự hỗ trợ về phía các cơ quan báo chí.

Ông Mạc Quốc Anh cũng mong các cơ quan báo chí tạo ra một hệ sinh thái kết nối giữa Chính phủ với các DN, giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các DN. Và đặc biệt, làm sao cho cách tiếp cận giữa các cơ quan báo chí với các DN sẽ được cải thiện trong thời gian tới. 

Tất nhiên qua các kênh của Hiệp hội, chúng tôi đã giới thiệu và kết nối các cơ quan báo chí đến phản ánh và đưa tin bên những vấn đề cũ, phản ánh những cái mới và đưa nhiều giải pháp so sánh, có định hướng để giúp các DN hoạt động có hiệu quả. Trong thời gian qua, các thế mạnh của báo chí rất tốt. DN chúng tôi đã có rất nhiều chương trình liên kết và hợp tác giữa cơ quan báo chí và các DN có những phản ánh rất kịp thời.

Đặc biệt, Hiệp hội, cũng có Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức – hiện giữ chức vụ là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây chính là sự kết nối giữa Hiệp hội với cơ quan báo chí đã được gắn chặt trong thời gian qua, giúp cho các DN ngoài việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, là kênh dẫn dắt cũng như đề xuất khó khăn vướng mắc của DN đến các cơ quan bộ, ngành.

 Tại Hội thảo, một số DN đã trình những vướng mắc của DN hiện nay và mong muốn sự hợp tác thông tin giữa DN với các cơ quan thông tấn báo chí.

 Nêu ra những khó khăn, yêu cầu của DN hiện nay, đại diện của Tập đoàn Hoà Bình cho rằng: Hiện nay DN cần thông tin đầy đủ, kịp thời ; DN cần trang bị kỹ lưỡng trong mặt trận thông tin; tiếp tục giải phóng các nguồn lực để phát triển, mà cần sự can thiệp của Chính phủ đối với việc này.

Anh Đỗ Thanh Tâm, đại diện của Tập đoàn Hoàng Gia khẳng định báo chí là cầu nối quan trọng để mang sản phẩm của DN đến với người dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua vai trò đó chưa phát huy hết giá trị. DN mong mỏi các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm hơn đến lĩnh vực này, tăng uy tín đối với người dùng. Tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ để phát triển tốt hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng báo chí còn “chê” DN chủ yếu, điều đó vô tình tạo mảng tối trong phát triển DN. Đôi khi có những mặt vướng trong chính sách nhưng không được phản ánh đúng, vô tình để dư luận hiểu sai về DN. Vì vậy, ông Kiên mong rằng báo chí nếu đã đồng hành với DN thì đồng hành mọi lúc, cả khó khăn lúc thuận lợi, giật tít phải đảm bảo đúng nội dung, đúng bản chất.

TS Nguyễn Thành Lợi (Tổng Biên tập Tạp chí người làm báo) không đồng tình với chuyện DN né tránh báo chí, bởi chính báo chí là công cụ hữu hiệu để xử lý khủng hoảng truyền thông. Nên chăng phải nghiên cứu chiến dịch truyền thông bài bản cho DN, bằng cách minh bạch hoá thông tin, cung cấp thông tin cho báo chí.

Để tránh trả lời hớ, DN cần có kỹ năng trả lời phỏng vấn báo chí. Bên cạnh đó, báo chí cần xem xét về vấn đề “đánh hội đồng” DN, không để tình trạng này xảy ra;..