Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm an ninh nước là mục tiêu hàng đầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ ngày 21 đến 27/8, tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển diễn ra Tuần lễ nước thế giới 2011 với chủ đề "Nước trong một thế giới đô thị hóa".

Trong chương trình nghị sự của Tuần lễ nước thế giới năm nay, các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học từ nhiều quốc gia sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, vai trò của nước với nông nghiệp,… từ đó tìm kiếm các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh nước.

Khan hiếm làm gia tăng tranh chấp nguồn nước

Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) và Viện quản lý nước quốc tế (IWMI) dự báo: Đến năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt khoảng 9 tỉ người, trong đó, 95% dân số trên sẽ sống tại khu vực thành thị, làm gia tăng nhu cầu về nước, gây nguy cơ mất an ninh nước. Theo UNEP, cách đầu tư khôn ngoan nhất cho tương lai là các quốc gia cần đặc biệt chú ý tới vấn đề qui hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, vừa đảm bảo cung cấp đủ nước sạch đến từng hộ dân, xử lí nước thải, vừa đối phó được với hậu quả của thiên tai.

Để nuôi sống 9 tỉ người vào năm 2050, lượng nước sử dụng trong nông nghiệp dự báo sẽ tăng từ 70 - 90%. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ khan hiếm nước và tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Chỉ riêng ở châu Phi, sản lượng nông nghiệp có thể giảm từ 15 - 30% vào cuối thế kỉ này và gây ra nạn đói tại nhiều nước. UNEP cho rằng, cần phải áp dụng các phương pháp kỹ thuật nông nghiệp hiệu quả hơn và cách sử dụng hệ sinh thái thông minh hơn. Khi nước ngày càng trở nên khan hiếm và có giá trị, tình trạng tranh chấp nguồn nước rất dễ xảy ra và gây nên các cuộc "chiến tranh nước". Hiện, trên thế giới có 263 con sông chạy qua nhiều quốc gia và trở thành nguyên nhân xung đột chính giữa các nước ở thượng nguồn và các nước ở hạ lưu sông. Vì thế, UNEP cho rằng nguồn nước trong tương lai sẽ trở thành vấn đề quan trọng bậc nhất trong quan hệ giữa ngoại giao giữa các quốc gia chứ không phải các tranh chấp biên giới hay sự tranh giành vị thế trên trường quốc tế.

Quốc tế đánh giá cao thành tựu của Việt Nam

Ngày 24/8, trong khuôn khổ của Tuần lễ nước thế giới 2011, Ngân hàng Thế giới cùng các đối tác tổ chức phiên thảo luận liên quan đến việc sử dụng các công cụ chính trị - kinh tế để đảm bảo mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) đến năm 2015. Đặc biệt, các chuyên gia, diễn giả và đại biểu sẽ tập trung xem xét, phân tích và đánh giá việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà Việt NamIndonesia được lựa chọn là hai mô hình thành công tại châu Á trong việc xây dựng và triển khai các sáng kiến nhằm thực hiện MDG: đến năm 2015, giảm một nửa tỉ lệ người không được tiếp cận thường xuyên với nước sạch và hợp vệ sinh. Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1998, hàng năm vào ngày 29/4 - 6/5, cả nước tổ chức Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Chiến lược Quốc gia Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 được Chính phủ dành nhiều ưu đãi về chính sách và ngân sách. Những năm qua, việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy mạnh mẽ chương trình xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, tại Tuần lễ nước Thế giới 2011, Việt Nam sẽ tranh tài cùng 27 quốc gia tại Cuộc thi quốc tế về nước dành cho lứa tuổi học sinh lần thứ 15.