Công điện đề cập đến nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia: Do ảnh hưởng của cơn bão số 6, từ đêm 9/11 đến ngày 12/11 ở các tỉnh khu vực Trung Bộ (từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận) và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Cụ thể, từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắk Nông, Lâm Đồng: 100 - 200mm; khu vực Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắc): 150 - 250mm; Bình Định đến Khánh Hòa: 200 - 350mm, cục bộ một số nơi trên 400mm.
Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra cho cây trồng, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP tiếp tục thực hiện các nội dung tại các Công điện số 11/CĐ-TCTL-QLCT ngày 29/10/2019, số 12/CĐ-TCTL-QLCT ngày 4/11/2019 của Tổng cục Thủy lợi về việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng cho cây trồng, đề phòng ảnh hưởng của mưa lớn ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của các bộ ngành, địa phương, theo ông Nguyễn Văn Tỉnh là cần tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo thời tiết, mưa, lũ của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền. Chủ động triển khai thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống, khắc phục hậu quả của ngập lụt, úng cho cây trồng do ảnh hưởng của mưa lớn do bão số 6.
Đặc biệt, cần tăng cường tích nước hợp lý các hồ chứa, bảo đảm tích được lượng nước cao nhất đến cuối mùa mưa lũ. Đồng thời, đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập, các công trình thủy lợi đầu mối, xung yếu, hư hỏng hoặc đang sửa chữa, nhất là vùng dân cư khu vực hạ du hồ chứa trước bão số 6.