Bài cuối: Nỗ lực cải thiện môi trường lưu vực sông
Theo các nhà chuyên môn, TP Hà Nội trong những năm qua cũng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; không ngừng đẩy mạnh đầu tư cho các dự án về xử lý ô nhiễm môi trường sông.
|
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức: Xử lý nghiêm những hành vi vi phạmVề các giải pháp tổng thể, lâu dài, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt kiến nghị sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước nhằm tháo gỡ các vướng mắc về mặt tài chính thúc đẩy việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ thuộc các Đề án bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông. Kiện toàn tổ chức và hoạt động của các Ủy ban BVMT lưu vực sông (và các Ban chỉ đạo tại địa phương), tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh; quản lý môi trường tại các khu vực giáp ranh. Đồng thời, tập trung quyết liệt vào công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, kể cả biện pháp đình chỉ sản xuất hoặc đóng cửa; Buộc tất cả các khu, cụm công nghiệp xây dựng mới phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải trước khi đi vào hoạt động; Tổ chức di dời và hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp tập trung; Tăng cường công tác thẩm định, cấp phép nhằm phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa ô nhiễm, đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm (kiểm tra sau thẩm định, cấp phép).
|
Nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội Phạm Văn Cường |
Nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội Phạm Văn Cường: Cứ xả thải vô tội vạ thì nỗ lực cũng như “nước đổ lá khoai”Việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy, tôi cho rằng đây là việc khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, ngành và Nhân dân quanh khu vực. Để cải thiện hiệu quả môi trường sông, không chỉ phải xuất phát từ quan điểm tổng thể, đồng bộ và thống nhất của các cấp, ngành, DN, Nhân dân trên toàn lưu vực mà còn phải có nguồn kinh phí “khủng”. Nguồn kinh phí này không thể chỉ từ ngân sách mà phải cả từ nguồn vốn xã hội hóa. Trong khi xã hội hóa lại phải có cơ chế thực hiện nên không đơn giản; không thể giải quyết trong ngày một ngày hai mà phải thực hiện từng bước nên… không thể sốt ruột được.
Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để các DN, đơn vị, Nhân dân quanh khu vực sông dừng việc xả thải chưa qua xử lý, xả thải vô tội vạ ra môi trường như hiện nay. Bởi, nếu cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm các biện pháp cải thiện môi trường nhưng ý thức của từng người, từng bộ phận chưa có nhiều chuyển biến tích cực thì việc giải quyết bài toán ô nhiễm của các dòng sông cũng chỉ như “nước đổ lá khoai”.
|
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định |
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định: Đẩy mạnh các nguồn lực nhưng vẫn nhiều khó khănVấn đề cải thiện môi trường, đặc biệt là môi trường sông, hồ trong những năm gần đây được lãnh đạo TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, chú trọng và có nhiều quyết sách kịp thời. Đối với lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn, UBND TP đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt qui mô lớn; trạm XLNT sinh hoạt và làng nghề; đầu tư cải tạo nạo vét, cải tạo và xây dựng hệ thống thủy lợi liên quan trong lưu vực sông; các dự án bổ sung nguồn nước sông, các công trình tiêu thoát nước... Đáng chú ý là Trạm bơm Yên Nghĩa (Hà Đông) nhằm tiêu úng từ sông Nhuệ ra sông Đáy cho khoảng 6.300ha của các quận, huyện phía Tây TP Hà Nội, hiện đang triển khai thi công. Dự kiến đến hết quý III/2018 sẽ đưa vào hoạt động khoảng 50% công suất. Hay như dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội (giai đoạn I) với mục tiêu lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ (dự án có tính chất quyết định giải quyết cải thiện môi trường sông và tiêu úng cho Hà Nội), hiện đang rà soát xin điều chỉnh dự án và đã được TP chấp thuận đầu tư theo hình thức BT, nhà đầu tư đang lập đề xuất dự án.
Thực tế, TP Hà Nội đang không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường sông Nhuệ - sông Đáy trên tất cả các phương diện, nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Không ít DN, đơn vị, thậm chí Nhân dân trên địa bàn lưu vực sông vẫn chưa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan về môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đã tiến hành xử phạt 124/662 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, công trình xây dựng, tổ chức cá nhân được thanh, kiểm tra. Một số các dự án đầu tư XLNT hiện tiến độ triển khai chậm, đặc biệt là 2 trạm XLNT tập trung Yên Xá và Phú Đô (phục vụ thoát nước lưu vực sông Tô Lịch), dẫn tới các sông trên vẫn tiếp nhận trực tiếp lượng lớn nước thải chưa qua xử lý khiến tình trạng chất lượng môi trường nước mặt chưa được cải thiện.
Trong khi đó, hiện chưa có tiêu chí để xác định các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chưa thống nhất trong quy định của các luật… cũng gây khó cho quá trình thực hiện tại địa phương. Ví như theo quy định tại Điều 20, 22 Nghị định 136/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công không quy định phải lập hồ sơ riêng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình lập hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư công. Tuy nhiên, theo Điểm a, Khoản 2, Điều 25 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định “Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của dự án”.