Báo động văn hóa xe buýt

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn hóa xe buýt là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thế nhưng, với những sự việc khách đi xe hành hung nữ nhân viên xe buýt hay nhân viên xe buýt hành hung người đi đường vì nhắc nhở đi sai làn xảy ra mới đây lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng này.

Hiện nay, xe buýt là phương tiện giao thông phổ biến của rất nhiều người bởi giá thành hợp lý và tiện lợi. Thời gian gần đây, việc tạo dựng văn hóa xe buýt được sự quan tâm của các cơ quan chức năng và đông đảo dư luận.
 Nữ nhân viên xe buýt trên tuyến số 103B Mỹ Đình - Chùa Hương bị nhóm thanh niên hành hung. Ảnh: Internet
Không thể phủ nhận là các đơn vị, cá nhân liên quan cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao trách nhiệm, thái độ và chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách. Cùng đó, hành khách cũng có ý thức khá tốt về văn hóa ứng xử khi đi trên xe buýt như nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em… Và chắc hẳn, những ai đã từng một lần ngồi trên xe buýt chẳng lạ gì với những khẩu hiệu như "hãy cùng chúng tôi xây dựng văn hóa xe buýt".
Dù vậy, trên thực tế đâu đó vẫn còn những hành vi không đẹp khi đi xe buýt. Ví như hai sự việc đáng tiếc xảy ra trong cùng một ngày 20/10 vừa qua đã thực sự khiến cộng đồng mạng xã hội dậy sóng và không khỏi phẫn nộ. Đó là hành vi gây rối trật tự, hành hung nữ nhân viên xe buýt trên tuyến số 103B Mỹ Đình - Chùa Hương của nhóm khách nam thanh niên, khiến nhân viên này phải nhập viện. Đó là những hành vi côn đồ, vô văn hóa, đánh người đi đường của nam nhân viên xe buýt số 47B trên cầu Vĩnh Tuy chỉ vì người này nhắc xe buýt phải đi đúng làn đường.
Dù sự việc đã được cơ quan chức năng, đơn vị liên quan nhanh chóng vào cuộc xử lý nhưng có lẽ nỗi ám ảnh liên quan đến xe buýt sẽ khó quên đối với cả người trong cuộc lẫn người chúng kiến và cộng đồng.
Những sự việc trên có thể chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, là hiện tượng nhất thời… Hạn chế này ngoài phần lớn nguyên nhân là do ý thức của những hành khách, của nhân viên, lái xe buýt thì nguyên nhân sâu xa cũng bởi cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện khiến cho xe buýt quá tải, hành khách phải chen lấn lên xe… Dẫu là nguyên nhân gì thì trước tiên vẫn rất cần những điều chỉnh, uốn nắn phù hợp của ngành xe buýt Thủ đô và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả lái xe, phụ xe buýt lẫn hành khách.
Văn hóa ứng xử được xây dựng từ ý thức của mỗi cá nhân. Văn hóa xe buýt cũng vậy, đều cần sự chung sức của tất cả mọi người chứ không phải chỉ là của một bộ phận nào đó. Có như vậy mới mong hình thành được một văn hóa xe buýt thực sự văn minh, thu hút đông đảo người tham gia loại hình phương tiện công cộng này, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí cho Hà Nội. Hy vọng rằng, chúng ta không chỉ hô khẩu hiệu: "Hãy cùng chung tay xây dựng văn hóa xe buýt" mà cần biến thành những việc làm cụ thể thiết thực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần