Bao giờ giá lợn ổn định?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một tuần qua, các DN chăn nuôi lớn đã đồng loạt giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt lợn trên thị trường vẫn neo ở mức cao. Hai nguyên nhân được đưa ra là do thiếu hụt nguồn cung và chi phí trung gian quá lớn.

Mỗi khâu tăng 8 - 10% giá
Sau một vài phiên giảm, ngày 9/4, giá lợn hơi trên cả nước lại có dấu hiệu tăng. Cụ thể tại miền Bắc, mức giá dao động từ 76.000 - 82.000 đồng/kg. Ở miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, giá lợn hơi có thấp hơn, nhưng vẫn ở mức trung bình 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Cùng với diễn biến tăng của giá lợn hơi, giá thịt lợn vẫn được ghi nhận ở mức cao, bình quân trên 100.000 đồng/kg. Tại hệ thống bán lẻ thậm chí còn cao hơn. Đơn cử như của Vinmart, giá thịt lợn gần 1 tuần qua duy trì ngưỡng ổn định từ 149.900 - 236.900 đồng/kg (tùy loại).
Lý giải về việc giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So cho rằng, thịt lợn qua lò mổ bị hao hụt về khối lượng. Cụ thể, 100kg lợn hơi, sau sơ chế sẽ chỉ thu được khoảng 55kg thịt lợn (cả nạc và mỡ). “Phần phụ phẩm hiện không bán được nên sau pha lóc, giá thịt lợn tăng là dễ hiểu” - ông So nói.
 Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng 
Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Mavin Đào Mạnh Lương cho rằng, giá thịt lợn hiện phải qua quá nhiều khâu trung gian. Theo đó, lợn hơi được DN bán cho thương lái phải qua lưu thông, bị hao hụt trong quá trình vận chuyển, đến lò mổ, qua chế biến, đóng gói thành phẩm, rồi lại thông qua các thương lái mới đến được tay người tiêu dùng. “Quan mỗi khâu trung gian như vậy, giá lợn hơi hoặc thịt lợn sẽ tăng từ 8 - 10%” - ông Lương cho biết.
Vẫn bế tắc giải pháp
Liên quan đến giá lợn hiện còn ở mức cao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới đây thẳng thắn nhìn nhận, vì nguồn cung chưa đủ trong từng thời điểm để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu nên giá thịt lợn mới tăng cao. Trước khi có dịch, chúng ta cần tới 910.000 tấn thịt lợn mỗi quý nhưng vừa qua mới đạt 820.000 - 830.000 tấn. Phải đến quý IV/2020, chúng ta mới đạt được sản lượng đó.
Cùng chung quan điểm về việc thiếu hụt nguồn cung, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc nhập khẩu thịt lợn chưa bảo đảm tiến độ. Nếu như kế hoạch đặt ra trong quý I/2020 là nhập khẩu 100.000 tấn, thì đến hết quý I/2020, Việt Nam mới nhập được hơn 39.000 tấn thịt lợn.
Ông Tuấn kiến nghị, các bộ, ngành cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa tái đàn và nhập khẩu thịt lợn. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ chăn nuôi nhỏ lẻ. “Hiện, 15 DN lớn chỉ chiếm khoảng 35% thị phần chăn nuôi trong nước. Do đó cần kiểm soát giá của tất cả các cơ sở nhỏ lẻ” - ông Tuấn đề xuất.
Để tiến tới giảm giá lợn hơi xuống mức 60.000 đồng/kg theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc giảm giá thành khâu trung gian là vấn đề cần được quan tâm. Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam Kiều Đình Thép cho rằng, cần tuyên truyền, vận động các nhóm lợi ích giảm chi phí khâu trung gian, chung tay cùng Chính phủ bình ổn giá cả mặt hàng này.
Nhiều ý kiến cho rằng, tất cả những vấn đề cả hai Bộ NN&PTNT, Công Thương đưa ra đã được nhận định và nhắc đến nhiều lần, trong khi giá lợn neo cao trong suốt một thời gian dài. Rất nhiều hội nghị, cuộc họp bàn giải pháp đã được tổ chức, song câu chuyện ổn định giá lợn xem ra vẫn chưa có lời giải.

"Do hiện nay thịt lợn không thuộc mặt hàng bình ổn giá nên các DN cung ứng mặt hàng này không phải chịu các chế tài về bình ổn giá như: Đăng ký giá, các yếu tố hình thành giá…, cũng như các biện pháp điều tiết giá khác. Chính vì vậy, việc đưa thịt lợn vào danh mục mặt hàng bình ổn giá là cần thiết nhằm đưa giá lợn về mức hợp lý hơn" - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Tổng cục Thống kê Đỗ Thị Ngọc