Báo Hànộimới trao giải Cuộc thi viết “Mỗi ngày một chuyện” lần thứ sáu

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hội đồng Chung khảo cùng Ban Tổ chức thống nhất Cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" năm nay có 1 tác phẩm được trao giải Nhất, 2 tác phẩm được trao giải Nhì, 3 tác phẩm được trao giải Ba, 15 tác phẩm được trao giải Khuyến khích. Ban Tổ chức cũng chọn được 1 tác giả có nhiều bài được đăng nhất, 1 tác giả cao tuổi nhất và 1 đơn vị có nhiều bài dự thi nhất để trao giải phụ.

Chiều nay (30/8), Báo Hànộimới đã tổ chức Lễ Tổng kết, trao giải Cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" lần thứ sáu và phát động Cuộc thi viết “Mỗi ngày một chuyện” lần thứ bảy.
Theo Ban Tổ chức, sau 1 năm triển khai Cuộc thi viết "Mỗi ngày một chuyện" lần thứ sáu trên ấn phẩm Báo Hànộimới hằng ngày, Ban Tổ chức đã tiếp nhận, biên tập và đăng bài dự thi đầu tiên trên số báo ra ngày 8/8/2018 và bài dự thi cuối cùng đăng trên số báo ra ngày 8/8/2019. Cuộc thi đã được đông đảo bạn đọc, bạn viết hoan nghênh, tích cực tham gia viết bài dự thi. Từ gần 600 bài của hơn 200 tác giả, Ban Tổ chức đã chọn, biên tập đăng tải được 278 bài, nhìn chung bảo đảm đúng thể lệ đã công bố là phản ánh những hành vi, việc làm, sự việc xảy ra thường ngày, thu hút sự quan tâm của người dân và bạn đọc, có ý nghĩa xã hội. Tác phẩm dự thi đã đăng báo đều ngắn gọn, dễ hiểu, bảo đảm tính chân thực, kịp thời và thiết thực với đời sống, sinh hoạt của người dân và công tác quản lý, điều hành của chính quyền, cơ quan chức năng các cấp.
 Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long trao giải Nhất
Trong đó, nhiều bài viết phát hiện, phê phán những vi phạm về trật tự đô thị, trật tự xây dựng; những bất cập trong công tác quản lý, công tác tiếp công dân, cải cách thủ tục hành chính... ở một số cơ quan đơn vị đã góp phần cùng cán bộ, Nhân dân Thủ đô hưởng ứng thực hiện có hiệu quả “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” 2018, 2019. Đồng thời, là những bài viết phản ánh chân thực, sinh động sự việc, hiện tượng diễn ra trong đời sống thường ngày, vừa cổ vũ động viên, vừa góp ý, điều  chỉnh hành vi ứng xử, qua đó thúc đẩy triển khai thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử do UBND TP Hà Nội ban hành năm 2017. Đặc biệt, các bài có tính chất đấu tranh, phê bình những bất cập trong thi hành công vụ của một số cơ quan chức năng các cấp, ngành; các bài phê bình những tập tục lạc hậu, sinh hoạt không phù hợp thuần phong mỹ tục, hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT, trật tự xây dựng...; các bài biểu dương hành động, việc làm tốt, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống được tác giả nêu rõ ngày giờ, tên cơ quan, đơn vị, địa chỉ, hành vi..., nên đã có sức thuyết phục và ý nghĩa xã hội cao.
Để bảo đảm tính khách quan, công bằng, Ban Giám khảo gồm 5 thành viên là các nhà báo trong Ban biên tập, cán bộ một số ban chuyên môn Báo Hànộimới đã làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, chấm điểm các tác phẩm theo thang bậc tối đa 10 điểm, tính chính xác đến 0,25 điểm. Kết quả, Hội đồng Chung khảo đã cùng Ban Tổ chức thống nhất Cuộc thi năm nay có: 1 tác phẩm được trao giải Nhất; 2 tác phẩm được trao giải Nhì; 3 tác phẩm được trao giải Ba; 15 tác phẩm được trao giải Khuyến khích. Ban Tổ chức cũng chọn được 1 tác giả có nhiều bài được đăng nhất (tác giả Ngô Duy Châu với 69 bài dự thi được đăng), 1 tác giả cao tuổi nhất (tác giả Đoàn Trần Khoát, 93 tuổi, ở A2-151A Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai) và 1 đơn vị có nhiều bài dự thi nhất với 50 bài (Công ty Amway) để trao giải phụ.
 Đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chúc mừng 2 tác giả đoạt giải Nhì
Tiếp nối thành công của Cuộc thi viết lần thứ sáu, Báo Hànộimới đã phát động Cuộc thi viết “Mỗi ngày một chuyện” lần thứ bảy (năm 2019-2020), hy vọng tiếp tục quy tụ được nhiều cây bút chuyên nghiệp và không chuyên trên mọi miền Tổ quốc, với các bài viết chất lượng cao; đồng thời tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan hữu quan cùng sự hưởng ứng của bạn đọc.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần