Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo hiểm nợ tiền bệnh viện: Người bệnh lãnh hậu quả

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều bệnh viện (BV), nhất là các BV tuyến huyện, đang gặp khó khăn về tài chính do chưa được thanh toán một số chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT). Dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết để gỡ vướng, nhưng hiện các đơn vị vẫn mòn mỏi đợi hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đăng nhập mã bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Bác sĩ chỉ định, kê thuốc cũng “run tay”

Theo chia sẻ của nhiều bác sĩ, trong một số trường hợp, có những xét nghiệm rất cần thiết cho bệnh nhân, nhưng những xét nghiệm đó bị "khoanh vùng", nếu chỉ định, phía bảo hiểm sẽ không thanh toán, vì thế họ rất dè dặt khi kê đơn.

Tại BV Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội), để đảm bảo an toàn, tính mạng cho bệnh nhân, lãnh đạo BV đã phải "nghiến răng" chỉ định, chấp nhận không được thanh toán. Đơn cử, bệnh nhân N.H.V. (73 tuổi) bị khó thở, mệt mỏi nhưng lại không có những dấu hiệu điển hình của bệnh nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp này, theo Giám đốc BV Vương Trung Kiên, cần phải làm xét nghiệm để loại trừ nhồi máu cơ tim, xét nghiệm men tim, điện cơ tim nhưng bảo hiểm cho rằng xét nghiệm đó không hợp lý, không thanh toán. "Ở một số nơi, theo như tôi biết, chính vì bảo hiểm không thanh toán mà các bác sĩ không dám chỉ định, hoặc khi chỉ định, kê đơn thuốc cũng "run tay"” - bác sĩ Kiên nói. Ngoài ra, một số kỹ thuật mà danh mục của Bộ Y tế chưa có, nếu chỉ định cũng không được thanh toán...
Số tiền các đơn vị chưa thanh toán khoảng 3.000 tỷ đồng, là tiền chi phí khác biệt giữa định mức chi và giá dịch vụ y tế. Có một số cơ sở y tế, định mức chi sát với cơ cấu giá thành. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu BHXH thanh toán theo đúng quy định của pháp luật về giá, quy định của pháp luật về BHYT. Theo đó, chi phí này sẽ được tính đơn giản bằng số lượng đơn vị đang thực hiện nhân với giá thành, còn định mức chưa sát thì Bộ Y tế và Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh về sau. Việc thanh toán cho các BV, Chính phủ đã giao Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn, hiện văn bản đã được xây dựng, đang xin ý kiến các vụ, cục để hoàn thành.

Ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế

Cũng theo bác sĩ Kiên, BV đang gặp khúc mắc về thanh toán BHYT. "BV đã phải bỏ ra để điều trị cho bệnh nhân nhưng bảo hiểm lại không đồng ý thanh toán. Năm 2017, số tiền 7 - 8 tỷ đồng đến nay vẫn chưa thanh toán được. BV tuyến huyện chúng tôi quá khó khăn, chậm lương tháng nào là BV loạn lên tháng đó" - bác sĩ Kiên bày tỏ.

Tại một số BV ở Nghệ An, tình hình diễn ra tương tự. Bác sĩ Tăng Việt Hà - Giám đốc BV Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An cho biết, khó khăn lớn nhất của BV chính là liên quan đến công tác KCB BHYT. Theo cách tính như hiện nay, giao dự toán, áp trần... là những nội dung rất khó khăn, BV phải làm giải trình, thủ tục giấy tờ vô cùng phức tạp. “Nay đã là giữa năm 2019 rồi, nhưng những tồn đọng của năm 2017 vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi trở thành "con nợ" của DN và bị mang tiếng "vô tình chiếm dụng vốn của DN" - ông Hà cho biết. Cũng theo ông Hà, nếu tiếp tục tình trạng này sẽ dẫn đến mâu thuẫn: BV cố gắng nâng cao chất lượng thì thu hút bệnh nhân sẽ đến càng đông, chi phí sẽ càng nhiều; chi phí vượt dự toán ngày càng cao, thanh quyết toán không kịp thời, BV lại tiếp tục nợ các DN, việc cung ứng thuốc vật tư tiêu hao sẽ bị ảnh hưởng. Người bệnh vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Nếu không có kinh phí thì BV sẽ rất khó phát triển, từ triển khai BV xanh sạch đẹp, kiểm soát nhiễm khuẩn tốt hay muốn giữ chân bác sĩ đều phải cần đến tiền.

Theo phân tích của bác sĩ Hà, sau khi Bộ Y tế ban hành các Thông tư 37, 15, 39 về điều chỉnh giá viện phí, nhưng bên BHXH lại không thanh toán theo giá mới mà vẫn thanh toán theo định mức. Điều này không đúng với quy định của pháp luật về giá, đáng ra giá quy định phải thanh toán theo giá dịch vụ.

Nguy cơ “vỡ trận” tại các BV tuyến dưới

Những tồn đọng của năm 2017 - 2018 chưa được BHXH thanh toán cho BV Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An khoảng gần 50 tỷ. Nếu BV không có tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên, chắc chắn sẽ lâm vào "vỡ trận". Cũng rơi vào tình trạng này, Giám đốc BV Đa khoa TP Vinh (Nghệ An) - bác sĩ Nguyễn Hồng Trường cho hay, số tiền BV chưa được BHXH thanh toán do vượt dự toán quý IV/2018 là 53 tỷ đồng. “Chúng tôi phải giải trình vượt dự toán gồm nhiều thủ tục, trong khi BV chỉ biết tập trung vào công tác KCB. Không có kinh phí để hoạt động khiến BV vô cùng khó khăn” - bác sĩ Trường phàn nàn.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cho biết: Tại Nghị quyết Số 30/NQ-CP ban hành ngày 11/5/2019, về vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Tài chính và Bộ Y tế và Thông tư liên tịch số 15/2018/TT-LT của Bộ Y tế, Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của Bộ Y tế. Bộ Y tế hướng dẫn để BHXH Việt Nam khẩn trương thanh toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở y tế theo đúng quy định của pháp luật về giá, về BHYT theo số lượng dịch vụ đã được giám định và mức giá quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Tài chính và Bộ Y tế và Thông tư số 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định bất cập về định mức kinh tế - kỹ thuật để kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế trong quý III/2019, trong đó quy định rõ định mức bắt buộc phải tuân thủ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, của cơ sở KCB tránh gây thất thoát, lãng phí quỹ BHYT.

"Nghị quyết mới ra, hiện chúng tôi đang xin ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ. Số tiền mà các BV chưa được thanh toán do BHXH không đồng ý thanh toán, thì hiện nay, Chính phủ đã yêu cầu BHXH phải thanh toán theo đúng quy định của pháp luật về giá"- ông Liên cho hay.