Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo hộ nhãn hiệu: Chìa khóa đưa hàng Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản tăng trưởng mạnh, yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, số lượng nông sản đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.

Bảo hộ nhãn hiệu còn bị xem nhẹ

Thực tế cho thấy, việc bảo hộ nhãn hiệu cho một sản phẩm, đặc biệt là nông sản là rất cần thiết và cấp bách. Điều này nhằm ngăn chặn những sản phẩm tương tự ngụy tạo làm mất uy tín thương hiệu vốn có từ lâu, đồng thời tạo điều kiện để các thương hiệu nông sản đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.

Vải thiều Lục Ngạn đã được cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý và cấp văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 7 quốc gia
Vải thiều Lục Ngạn đã được cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý và cấp văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 7 quốc gia

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) La Văn Nam cho biết: Nhận thức được vai trò của bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với việc nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, ngay từ năm 2006, địa phương đã đề xuất với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) triển khai 2 dự án về tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn. Ngày 25/6/2008, vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý. Tiếp theo, để mở rộng thị trường xuất khẩu, vải thiều Lục Ngạn tiếp tục được Sở KH&CN Bắc Giang đăng ký và được cấp văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 7 quốc gia.

“Việc tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ đạt hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa rộng; danh tiếng, uy tín, chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng cao rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu. Sau khi vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước đã có tác động rất lớn đến sản xuất, tiêu thụ vải thiều, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương” – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam nhận xét.

Bảo hộ nhãn hiệu nông sản có ý nghĩa như vậy, nhưng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nông sản ở Việt Nam vẫn còn bị xem nhẹ. Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến nay Cục mới cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 113 sản phẩm có nguồn gốc nông, lâm, thủy sản và đã cấp 1.734 nhãn hiệu tập thể; 607 nhãn hiệu chứng nhận. So với tiềm năng thế mạnh nông sản của Việt Nam, thì số sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu vẫn còn khá khiêm tốn.

Trên thực tế đã có nhiều bài học nhãn tiền của các doanh nghiệp đi trước như câu chuyện về nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, hay gạo ST25 bị gian lận thương hiệu khi ra thị trường nước ngoài.

 

Hiện có khoảng 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có Logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân là đa số nông sản được trồng và sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu sự kiểm soát và định hướng. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNNT) Nguyễn Quốc Toản 

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS nêu quan điểm, thời gian qua, nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam bị các công ty nước ngoài đăng ký bảo hộ ở nước ngoài là do nhận thức của doanh nghiệp về quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, theo Luật sở hữu trí tuệ của các nước, một khi nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại lãnh thổ một nước thì chủ sở hữu nhãn hiệu đó có độc quyền sử dụng nhãn hiệu, có quyền ngăn cấm các doanh nghiệp khác sử dụng nhãn hiệu của mình hoặc dấu hiệu tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình cho sản phẩm đăng lý. Và như thế, nếu một nhãn hiệu nông sản của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thì sẽ có nhiều hậu quả không có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, không thể tự do xuất khẩu sản phảm nông sản dưới nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý của mình, nguy cơ mất thị trường, mạng lưới phân phối, bán hàng. Cùng với đó là danh tiếng, uy tín của sản phẩm có thể bị ảnh hưởng

Xây dựng mối liên kết 4 nhà

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, nông sản Việt muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước và tham gia sân chơi quốc tế cần phải coi trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, tuy nhiên việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu của sản phẩm nông nghiệp vẫn gặp nhiều rào cản. Cụ thể, vẫn chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Nhiều nơi chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dẫn địa lý không phát huy được tác dụng.

Trong khi đó, nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đã không chủ động về nguồn lực để thực hiện việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, kỹ năng về xúc tiến thương mại rất kém.

“Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bảo hộ sản phẩm nông sản, Nhà nước cần tăng cường định hướng doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và quảng bá thương hiệu trong nước cũng như quốc tế thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam” – ông Đặng Phúc Nguyên nêu ý kiến.

Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, hiện nay không phải cá nhân hay doanh nghiệp làm nông nghiệp nào cũng biết về quyền sở hữu trí tuệ, các chính sách khuyến khích của ngành chức năng. Chính vì vậy, việc bảo hộ nhãn hiệu cho nông sản còn bị xem nhẹ. Để giải quyết vấn đề này, một trong những giải pháp tốt nhất hiện nay là xây dựng mối liên kết 4 nhà: Nông dân – doanh nghiệp – nhà khoa học và Nhà nước.

Còn theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Trần Quốc Toản, đơn vị sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, nên xây dựng và phát triển thương hiệu phải dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ. Đó là chất lượng đặc thù, giá trị khác biệt, uy tín, độ an toàn của sản phẩm. Cần thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để đưa sản phẩm cuối cùng ra đến thị trường.