Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bão mạnh sẽ xuất hiện nhiều hơn trong năm 2020

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định được ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ TN&MT) đưa ra tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai (PCTT) năm 2020. Đây là hội nghị quan trọng do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì.

 Nâng cao năng lực quan trắc là nhiệm vụ đặt ra đối với ngành khí tượng - thuỷ văn. Ảnh minh hoạ. 
Ghi nhận cho thấy, ở Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở nhiều tỉnh phía Bắc, vào các thời điểm rất hiếm, thậm chí chưa từng xảy ra. Hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên.
Trên cơ sở số liệu quan trắc, ông Trần Hồng Thái nhận định, năm 2020 sẽ diễn biến theo hướng khô hạn, thiếu nước vào nửa đầu năm trên phạm vi cả nước; mưa nhiều, bão, lũ tập trung vào nửa cuối năm, nhất là tại khu vực Trung Bộ.
Dự báo khả năng có khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đáng chú ý, bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2019.
Đại diện Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cũng cho biết, lũ trên các sông ở Bắc Bộ và vùng hạ lưu các sông ở Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức báo động (BĐ)1 - BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên và thượng lưu các sông ở Bắc Trung Bộ ở mức BĐ2 - BĐ3, một số sông trên BĐ3; hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình ở dưới mức BĐ1.
Bên cạnh những kết đạt được, theo ông Trần Hồng Thái, hoạt động khí tượng thuỷ văn cũng còn những tồn tại như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ làm ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; hạn chế về khoa học công nghệ, mạng lưới trạm…
Để thực hiện có hiệu quả công tác khí tượng thuỷ văn phục vụ nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong năm 2020, ông Thái kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương. Trong đó, các địa phương phải khai thác triệt để hệ thống phòng chống thiên tai, có thông tin hai chiều kịp thời từ địa bàn có nguy cơ cao và chính những người dân trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác khí tượng thuỷ văn để tăng tính tự chủ của ngành, giảm sự phụ thuộc kinh phí Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này...