Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo quản thực phẩm tích trữ những ngày giãn cách xã hội

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, Hà Nội cùng nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, không ít gia đình đã mua nhiều thức ăn tích trữ trong tủ lạnh ăn dần để hạn chế phải ra ngoài và tiếp xúc với người khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, thực phẩm để lâu tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Nếu bảo quản không đúng cách, thực phẩm dù để lạnh vẫn có thể phát sinh nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tiềm ẩn nguy cơ
Trong thời điểm giãn cách xã hội, nhu cầu trữ đông thực phẩm lại càng cấp thiết. Nhưng trữ đông thực phẩm thế nào cho an toàn thì không phải bà nội trợ nào cũng biết. Việc tích trữ quá nhiều loại thực phẩm trong cùng một ngăn tủ khiến cho việc làm lạnh bị cản trở dẫn đến thực phẩm nhanh bị hỏng làm tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm khi sử dụng.
Đề cập đến vấn đề này, TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, thực phẩm tươi sống hay thực phẩm đã chế biến để lâu ngày trong tủ lạnh sẽ có nguy cơ mất chất, biến chất hay nhiễm khuẩn. Việc tích trữ đồ ăn chật cứng trong tủ lạnh có thể khiến khí lạnh không thể lưu thông, tủ lạnh sẽ bị nóng lên và các vi khuẩn không thể nhìn thấy bằng mắt thường sẽ phát triển.
 Các gia đình cần chia nhỏ thực phẩm thành từng phần trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho rằng, mọi loại protein (có trong thịt, cá, trứng, sữa...) nếu bảo quản không tốt, bị vi sinh vật tấn công sẽ sản sinh ra những độc chất như nitrit, amoniac. Việc hấp thụ nitrit quá nhiều tại một thời điểm có thể gây ngộ độc cấp tính cho người dùng. Do đó, việc tích trữ quá nhiều thực phẩm trong thời gian dài sẽ gây mất an toàn, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. “Với thực phẩm khô như đậu nành, lạc, hạt điều, ngô..., nếu không được xử lý và bảo quản đúng cách thì khi tích trữ lâu dễ bị nấm mốc, sâu mọt, vi khuẩn xâm nhập. Nhiều người do thói quen tiết kiệm nên không hủy bỏ thực phẩm bị mốc mà rửa và phơi nắng để sử dụng lại, điều này tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe” - PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo khuyến cáo.
Bảo quản đúng cách
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người dân nên chọn cách nấu ăn tại nhà, hạn chế sử dụng những đồ ăn làm sẵn để đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường sức đề kháng để vượt qua dịch bệnh. Thực tế, nhiều gia đình vì lo lắng dịch bệnh nên tích trữ lương thực thực phẩm quá nhiều trong tủ lạnh. Tuy nhiên, việc bảo quản thực phẩm không phải gia đình nào thực hiện cũng đúng cách.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, các gia đình phải thường xuyên chú ý đến việc vệ sinh tủ lạnh. Bởi trong tủ lạnh gia đình thường có hiện tượng đọng đá, những nước đá đọng này có thể mang những vi khuẩn của những thực phẩm trước vô hình chung khiến thực phẩm bị lây nhiễm vi khuẩn. Trong tủ lạnh có những thực phẩm tươi sống hoàn toàn như thịt, cá nhưng cũng có những loại thực phẩm đã được nấu chín như giò, chả. Nếu gia đình để chung cùng một nơi sẽ xảy ra hiện tượng “nhiễm chéo” từ những thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín. Bên cạnh đó, các gia đình cần chia nhỏ thực phẩm thành từng phần trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản. Khi nhiệt độ hạ xuống để thực phẩm đông cứng lại, người nấu thường mang ra cả khối thực phẩm và dùng dao chặt nhỏ lấy một phần để sử dụng, thì phần thực phẩm không sử dụng tới sẽ bị tan đá và lại bị nhiễm vi khuẩn.
“Vì vậy, nếu sử dụng thực phẩm kích thước lớn chúng ta nên làm sạch sau đó thái thành từng miếng vừa phải cho từng bữa ăn, bọc lại rồi ới bỏ vào trong tủ lạnh để khi ăn chúng ta ăn phần nào lấy ra phần ấy. Các gia đình nên ăn phần nào hết phần đó, không nên bới ra bới vào lẫn lộn thức ăn cũ và mới. Việc rã đông bằng cách cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn dưới để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.
Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, người dân không nên ham rẻ mà mua thực phẩm không nguồn gốc, không an toàn để tích trữ. Khi chọn mua thực phẩm, người dân cần lưu ý thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản trước tiên nên chọn mua ở nơi uy tín như siêu thị, nơi đảm bảo nhiệt độ bảo quản an toàn hoặc ở chợ cũng nên mua nguồn hàng quen, tránh mua ở các quầy gần cống rãnh, rác thải, nơi bày thực phẩm lộn xộn, dễ nhiễm khuẩn chéo lẫn nhau. Các gia đình nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm là các loại, củ quả để bảo quản được lâu, tuy nhiên, không phải thực phẩm nào cho vào tủ lạnh cũng là tốt. Với rau củ nên rửa sạch đất, bụi bẩn, để khô ráo, cho từng loại vào túi đựng thực phẩm chuyên dụng, ghi tên, ngày tháng rồi xếp vào tủ cấp đông. Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi gia đình nên trữ thực phẩm ở trong tủ lạnh không quá 5 ngày, kể cả các thực phẩm đông đá như là các loại thịt, hải sản... Còn các loại rau xanh và hoa quả thì chỉ nên lưu lại ở trong ngăn mát tủ lạnh từ 3 - 4 ngày. Các gia đình cũng cần lưu ý đến nhiệt độ trong tủ lạnh. Nhiệt độ thích hợp ở trong ngăn mát tủ lạnh nên duy trì ở dưới 4 độ C, còn ngăn đá tủ các bạn nên để dưới -18 độ C.