Trong 24 giờ vừa qua và khoảng 12 - 24 tiếng tới, bão số 6 sẽ di chuyển chậm hoặc hầu như ít di chuyển. Kể từ sáng mai, bão số 6 sẽ đổi hướng, quay về phía Việt Nam, hướng về khu vực các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ.
Lý giải vì sao bão tăng cấp và cường độ cực đại của bão số 6, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết: “Trước tiên là do bão số 6 đang di chuyển trên một vùng biển ấm, các điều kiện động lực ngay tại khu vực bão cũng rất thuận lợi để bão tích tụ năng lượng và mạnh lên”.
Ngoài ra, không khí lạnh sẽ bắt đầu ảnh hưởng tới các tỉnh vùng núi phía Bắc trong ngày mai, áp cao lạnh lục địa dồn xuống phía Nam, sự kết hợp của không khí lạnh phía Bắc và bão số 6 ở phía Nam tạo ra gió đông bắc rất mạnh ở rìa phía Bắc của cơn bão, khiến bão số 6 tăng cấp nhanh kể từ ngày mai, 7/11.
Đó là khi khối áp cao lạnh lục địa mang theo không khí lạnh còn khá xa cơn bão, khối áp cao lạnh sẽ khiến bão số 6 có khả năng mạnh lên cấp 11 - 12 khi vào đến khoảng kinh tuyến 112 - 114 độ kinh Đông, phía Bắc quần đảo Trường Sa trong ngày Thứ 7 và Chủ nhật (9 và 10/11). Nếu đạt cấp 11 hoặc 12, bão số 6 sẽ là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu mùa bão năm 2019 đến nay trên khu vực Biển Đông.
Thời điểm bão số 6 mạnh nhất đạt cấp 11 - 12, cấp bão rất mạnh khi nó còn di chuyển trên vùng biển tương đối ấm và không khí lạnh còn ở xa. Khi vào gần bờ, gặp vùng biển lạnh hơn, không khí lạnh đã xuống tới khu vực Trung Bộ trước đó nên bão số 6 nhiều khả năng sẽ suy yếu đi 2 - 3 cấp, thậm chí hơn khi tiến sát vùng biển ngoài khơi các tỉnh trung và nam Trung Bộ.
Mưa to đến rất to khả năng cao sẽ tập trung trong khoảng thời gian từ đêm 9 đến hết ngày 11 ở khu vực các tỉnh thành ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và phần phía Đông của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, với lượng mưa trong 1 ngày có thể đạt trên 100mm. Từ đêm 11/10 mưa vẫn còn ở các khu vực Trung Bộ nhưng cường độ giảm rõ rệt.