Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ nguồn nước trước nguy cơ suy thoái

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam không phải là quốc gia mạnh về tài nguyên nước bởi hơn 60% lượng nước bề mặt của nước ta có nguồn gốc từ các nước khác.

Báo cáo đánh giá ngành nước Việt Nam cho thấy, về nước ngầm, Việt Nam có nguồn nước chất lượng tốt với trữ lượng lớn nhưng ở nhiều nơi, nước ngầm bị khai thác tập trung nên đang có mức sụt giảm nghiêm trọng một số tầng nước ngầm hiện nay chỉ còn tồn tại được trong khoảng thời gian ngắn nữa.

Không chỉ suy thoái, tài nguyên nước còn ô nhiễm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân. Tại Hà Nội, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 300.000 - 400.000m3 nước thải. Tuy nhiên, lượng nước thải này không qua xử lý hoặc chỉ được xử lý sơ bộ trước khi xả vào tuyến thoát nước chung, do đó nồng độ chất ô nhiễm ở một số điểm xả rất cao. Ở TP Hồ Chí Minh, riêng lượng nước thải công nghiệp xả ra môi trường mỗi ngày là 400.000m3. Một số ngành công nghiệp hóa chất, phân bón, khai thác khoáng sản có lượng nước thải lớn, chứa nhiều chất độc hại được thải trực tiếp ra các sông, ao, hồ, kênh, rạch nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trên thực tế, tính trung bình, mỗi người Việt Nam có thể nhận 9.650m3 nước/năm trong khi mức trung bình thế giới là 7.400m3. Tuy nhiên, xét về nguồn nước nội địa, Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới với 3.600m3/người/năm, ít hơn mức bình quân toàn cầu (4.000m3/người/năm). Nếu tính theo tiêu chí nguồn nước nội địa, Việt Nam thuộc diện quốc gia thiếu nước. Và đáng lo ngại là 63% tổng tài nguyên nước mặt của chúng ta là ngoại lai.

Theo các nhà khoa học, trong thời gian tới, sự gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ làm tăng mạnh nhu cầu dùng nước và tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu cũng đang và sẽ tác động không nhỏ đến nguồn nước. Do đó cần có các giải pháp quản lý khai thác và bảo vệ tốt tài nguyên nước. Về mặt quản lý, để tránh sự kém hiệu quả do chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành khác nhau, cụ thể là Bộ NN&PTNT với Bộ TN&MT cần đưa tài nguyên nước về một đơn vị quản lý chung, thống nhất. Bên cạnh đó, cần phải củng cố, bổ sung mạng lưới điều tra quan trắc tài nguyên nước, bao gồm cả nước mặt, nước ngầm, cả về lượng và chất... để từ đó xây dựng chiến lược chính sách phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia nói chung và cho các lưu vực nói riêng.