Thương hiệu Việt bị nước ngoài chiếm đoạt
Thông tin từ Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho thấy, hiện hoạt động xuất khẩu thông qua sàn TMĐT đã tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2018 doanh thu TMĐT B2C (doanh nghiệp với khách hàng) mới chỉ đạt khoảng 8 tỉ USD thì đến năm 2019 đã vượt mốc 10 tỉ USD.
Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỉ USD vào năm 2020 và 16,4 tỉ USD năm 2022. Với doanh thu đạt tới 20,5 tỉ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C chiếm khoảng 7,8 - 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Trước sự tăng trưởng vượt bậc đó, sàn TMĐT Amazon Global Selling đánh giá, hàng Việt có cơ hội tăng xuất khẩu online khi tiêu dùng toàn cầu tiếp tục dịch chuyển từ offline sang online. Cụ thể, dự kiến quy mô của thị trường bán lẻ online của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt hơn 31,3 tỉ USD, chiếm khoảng gần 13% bán lẻ toàn cầu. Trong 5 năm tới, con số này sẽ tăng lên tới hơn 40,5 tỉ USD, tương đương với mức 15% tiêu dùng toàn cầu.
Thực tế cho thấy, lợi dụng việc sản phẩm Việt xuất khẩu qua sàn TMĐT được người tiêu dùng tín nhiệm, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã cố tình chiếm đoạt thương hiệu Việt.
Giám đốc Công ty Meet More (xuất khẩu cà phê trái cây) Nguyễn Ngọc Luận thông tin, trong quá trình khảo sát thị trường bán lẻ tại Úc đã phát hiện một siêu thị mang logo của Co.opmart. Liên quan đến vụ việc này, Giám đốc khối vận hành Siêu thị Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng khẳng định, đơn vị chưa đầu tư xây dựng siêu thị và chưa nhượng quyền thương hiệu Co.opmart cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào.
Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc Nguyễn Thị Tịnh chia sẻ, trong một lần đi châu Âu đã chứng kiến siêu thị bán nước mắm do Thái Lan sản xuất nhưng gắn nhãn mác nước mắm Phú Quốc. “Không chỉ nước mắm, một số sản phẩm bún, phở, mì khô… Thái Lan nhưng trên bao bì lại viết là “Vietnamese’s New Noodle” (Bún mới của người Việt). Điều này khiến người tiêu dùng trên thế giới không thể phân biệt được đâu là hàng Thái Lan, đâu là hàng Việt” - bà Tịnh khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) Nguyễn Thu Anh, không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ lâm vào cảnh bị chiếm đoạt thương hiệu, mà nhiều công ty quy mô lớn cũng trong tình trạng tương tự. “Thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã bị một công ty của Mỹ là Rice Field đăng ký tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO); Thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam là Vinataba đã bị P.T. Putra Stabat Industri (Indonesia) chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean” - bà Thu Anh nêu ví dụ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành nêu rõ, hiện số lượng đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài rất thấp. “Có đến 80% doanh nghiệp không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, dẫn tới tình trạng sản phẩm Việt Nam dù có chất lượng cao nhưng vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở thị trường quốc tế” – ông Thành nói.
Phương án nào bảo vệ thương hiệu Việt?
Để hạn hạn chế thương hiệu Việt bị rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, Chủ tịch VIPA Phạm Nghiêm Xuân Bắc kiến nghị, cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ thương hiệu. Đồng thời, cần đưa thêm những điều khoản luật về việc mua lại thương hiệu Việt qua cổ phần hóa. “Để được cấp bằng bảo hộ tại nước ngoài doanh nghiệp rất tốn kém tiền bạc, thời gian, thủ tục phức tạp… Vì vậy, Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí”- ông Bắc hiến kế.
Trước những kiến nghị của các chuyên gia, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) Lưu Hoàng Long cho biết, hiện Việt Nam đã là thành viên của Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) và Thỏa ước và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Đây là 2 hệ thống giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm sự bảo hộ sáng chế ở 152 nước thành viên PCT một cách thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Tương tự, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho hay, các doanh nghiệp Việt Nam muốn triển khai xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng Amazon, nên sớm có kế hoạch đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Tại Hoa Kỳ, thương hiệu được bảo hộ thông qua Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO).
Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thường sẽ kéo dài 1 năm hoặc hơn tuỳ trường hợp và bao gồm nhiều thủ tục pháp lý liên quan. Do vậy, doanh nghiệp nên tìm một công ty luật uy tín tại Việt Nam để được tư vấn và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ và tìm đến các nền tảng thương mại điện tử uy tín để được hỗ trợ.
Dưới góc độ là đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong thông tin, nhằm giúp chủ doanh nghiệp bảo vệ sản phẩm và thương hiệu, từ 2017, Amazon đã xây dựng chương trình Amazon Brand Registry. Theo đó, doanh nghiệp có ý định kinh doanh một cách bài bản và chuyên nghiệp trên Amazon nên tìm hiểu và đăng ký tham gia chương trình do những lợi thế vượt trội mà chương trình đem lại như xóa mọi listing vi phạm quyền thương hiệu, bảo vệ sản phẩm trước những người cố gắng bán các sản phẩm giả hoặc kém chất lượng dưới tên thương hiệu đã đăng ký.
Như vậy, việc bảo vệ thương hiệu khi xuất khẩu trực tuyến qua các nền tảng TMĐT là một bước đi chiến lược để bảo vệ quyền lợi và hình ảnh của doanh nghiệp Việt mà còn là cách thức hiệu quả mở rộng và tạo dựng uy tín tại các thị trường lớn.