KTĐT - Thị trường và nhu cầu có sẵn, nhưng rất nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn băn khoăn về các văn bản áp luật cụ thể của Nhà nước đối với việc có hay không lắp hộp đen giám sát hành trình, hạ tầng thông tin dữ liệu có đảm bảo?…
Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2011, tất cả ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có cự ly tuyến trên 500km bắt buộc phải lắp đặt hộp đen - thiết bị giám sát hành trình (GPS). Các xe khách đường dài trên 300 km sẽ phải lắp hộp đen từ ngày 1/1/2012. Riêng lộ trình lắp đặt cho tất cả xe khách, xe buýt bắt đầu từ ngày 1/7/2012.
Cái khó…
Hiện nay trên thị trường Việt Nam có gần 300.000 xe vận tải và vận tải hành khách công cộng nằm trong “diện” bắt buộc phải lắp đặt hệ thống thiết giám sát hành trình. Tuy nhiên, cung vẫn chưa gặp cầu.
Trên thực tế, để kịp thực hiện quy định này thì các doanh nghiệp sẽ phải hoàn tất kế hoạch tài chính, mua sắm thiết bị, lắp đặt và chạy thử theo ý kiến của nhà sản xuất hộp đen. Tuy nhiên, kế hoạch nêu trên khó lòng xong đúng thời điểm 1/7.
Trong khi hạn chót sắp cận kề, các đơn vị liên quan của Bộ GTVT vẫn đang soạn thảo những quy định bị “khuyết” thì tại cuộc Hội thảo về ứng dụng thiết bị giám sát hành trình (GPS) được tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi về vấn đề triển khai quy định mới này ra sao? Thời gian áp Luật có kịp ngày 1/7 để doanh nghiệp còn “chạy theo” hay không?
Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Duy Minh - đơn vị cung chuyên cung cấp thiết bị giám sát hành trình được Bộ GTVT mời tham gia làm thành viên soạn thảo các quy định liên quan đến hộp đen tỏ ra rất lo lắng khi nêu ra minh chứng về các vấn đề liên quan đến hộp đen hiện nay.
“Thực tế, phải qua tất cả các khâu kiểm tra của các đơn vị nêu trên thì mới cho ra đời sản phẩm đạt chuẩn, doanh nghiệp sản xuất mới được phép bán ra thị trường và doanh nghiệp vận tải mới dám mua về để lắp đặt trên ô tô của mình nhưng các quy định về hộp đen đạt chuẩn đã có nhưng chưa nêu đích danh đơn vị nào được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận” - bà Thủy cho biết.
Cũng theo bà Thủy: “Hiện nay đối tượng khách hàng mua thiết bị GPS của chúng tôi không phải các đơn vị chạy xe trên lộ trình hơn 500 km mà đa phần là các chủ xe phục vụ cho việc điều hành tại chỗ của họ. Chúng tôi lo lắng không biết có sản xuất kịp thời điểm 1/7 vì đối tượng bắt buộc phải lắp đặt GPS quá lớn, không biết Bộ GTVT có tính tới phương án lùi thời gian áp dung hoặc hoãn phạt GPS hay không…”.
Các doanh nghiệp đã và đang áp dụng công nghệ GPS quản lý hệ thống phương tiện đều khẳng định được hưởng lợi lớn, nhưng với doanh nghiệp, việc bảo mật thông tin là yếu tố sống còn nên cơ quan quản lý Nhà nước có đảm bảo không bị lộ ra ngoài hay không?
Tiến sỹ Khuất Việt Hùng - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế trường Đại học Giao thông Vận tải, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho hay: “Ở Việt Nam, thị trường có, nhu cầu có, lượng phương tiền cần lặp đặt GPS nhiều nhưngg doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn về GPS.
Vấn đề nằm ở văn bản Luật, hiện chưa thấy có văn bản nào quy định về tính bảo mật thông tin cho doanh nghiệp; Mặt khác, hạ tầng thông tin dữ liệu của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay, giả sử doanh nghiệp muốn kiện cơ quan quản lý Nhà nước vì để lộ những thông tin dữ liệu của họ hay không?”.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về vốn đầu tư để trang bị cả hệ thống máy chủ và hộp đen gắn trên các xe là khá cao. Mặt khác, độ chuẩn của các sản phẩm GPS trên thị trường hiện nay chưa được đánh giá chính xác.
… có “bó” cái khôn?
Việc ứng dụng GPS trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được một số doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa áp dụng vào công tác quản lý và điều hành đoàn xe trong những năm gần đây.
Các doanh nghiệp đã ứng dụng GPS đều khẳng định có lợi trong việc giảm nhân công, giảm tiền lương phải chi trả, xoá được hệ thống thanh tra nội bộ, nâng cao chất lượng phục vụ, doanh thu…
Đại diện Tập đoàn Mai Linh khu vực Đông Bắc bộ chia sẻ: “Mai Linh hiện có hơn 10.000 đầu xe các loại và đã ứng dụng GPS. Chi phí đầu tư GPS ban đầu cao nhưng 3 tháng áp dụng chúng tôi đã thu hồi được vốn, giảm được nhân công, quản lý được doanh thu, giảm lực lượng thanh tra đã kéo theo giảm tiền lương tháng phải chi trả, lái xe an toàn...
Tuy nhiên, hiện mạng cơ sở viễn thông Việt Nam còn thấp, cơ sở dữ liệu chuẩn (bản đồ số) vẫn chưa có nên chúng tôi quan ngại về tính bảo mật thông tin. Để giải quyết được khó khăn này, chúng tôi rất hi vọng những cơ sở pháp lý liên quan đến vấn đề này sớm hoàn thiện và đưa vào áp dụng”.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Giám đốc công ty cổ phần Định vị Tiên Phong - một đơn vị cung cấp GPS, cho biết: “Thị trường GPS ở Việt Nam thiếu sự kết nối, thiếu giải pháp đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp vận tải trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ nên cung cầu chưa gặp nhau.
Để lặp đặt GPS, các doanh nghiệp này thường áp dụng mô hình đầu tư dàn trải với chi phí cao nên đa phần ngại đầu tư. Các doanh nghiệp cần có một hệ thống máy chủ tiếp nhận và xử lý dữ liệu GPS, tuy nhiên giải pháp trước mắt là mỗi doanh nghiệp chỉ cần thuê đường truyền và lắp đặt số hộp đen trên xe theo đúng số xe cần sử dụng, tránh được đầu tư dàn trải và đỡ tốn kém”.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Khi triển khai hệ thống quản lý GPS thì Nhà nước sẽ được hưởng lợi rất nhiều, vì thế Nhà nước cần tính toán tới việc chia sẻ với doanh nghiệp bằng các biện pháp giảm thuế, cung cấp tín dụng, trợ giá… Phía nhà cung cấp hệ thống giám sát GPS nên giảm giá, khuyến mãi thiết bị; còn doanh nghiệp nên đồng tâm với Nhà nước để chịu đầu tư chi phí”.