Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bật đèn đỏ” quy hoạch ngược và nghịch ở Khu đô thị Bắc sông Hồng

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ths. KTS Đỗ Viết Chiến – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, Bắc sông Hồng là vị trí “đẹp” hiếm hoi còn lại của Hà Nội, quy hoạch và kế hoạch vì thế phải song hành.

Ông Đỗ Viết Chiến đặt vấn đề, tránh đi lại vết xe đổ chung cư cao ốc chạy trước “điện, đường, trường, trạm”. Kéo theo việc đô thị phát triển theo “vết dầu loang”, tức đô thị hóa tự phát cả về không gian, kiến trúc và dân số.
 Thành phố siêu thông minh - điểm nhấn của khu vực Đông Anh
Về mặt lý thuyết, theo vị chuyên gia này, trên cơ sở quy hoạch phân khu 1/2000 đã có. Hà Nội cần lập danh mục cụ thể các dự án đầu tư phát triển đô thị theo 3 nhóm chính. Nhóm 1, dự án có khả năng thu hồi vốn và sinh lời (dự án nhà ở, khu Đô thị mới, văn phòng – khách sạn cho thuê, khu vui chơi giải trí có thu tiền…) nhất thiết tổ chức đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Thực hiện phương châm lấy đô thị nuôi đô thị từ giá trị kinh tế đất do Nhà nước trực tiếp làm thông qua thành lập các Tổng Công ty lớn có chức năng đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch. Hạn chế tối đa chỉ định thầu, chuyển từ cơ chế khoán trắng cho nhà đầu tư được chỉ định thực hiện toàn bộ bước chuẩn bị đầu tư (từ khâu giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật…) và chênh lệch địa tô. Sau khi đất đã đầu tư hạ tầng đương nhiên thuộc về nhà đầu tư.
“Nhóm 2, dự án không có khả năng thu hồi vốn và sinh lời: (công trình phúc lợi công cộng – khu vui chơi giải trí không thu tiền…) cần lập danh mục đưa vào kế hoạch sử dụng vốn đầu tư công. Nhóm cuối gồm dự án nhà nước và dân cùng làm (cho các khu vực làng xóm, dân cư đô thị hóa đã có) xác định rõ ràng nhà nước hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết – đầu tư và kết nối hạ tầng kỹ thuật chính, còn lại các đầu tư khác xác định nhà nước và dân cùng làm để huy động các nguồn lực trong xã hội” – ông Chiến phân tích.
Trên cơ sở công khai các dự án nêu trên, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam gợi ý, Nhà nước tạo điều kiện cho Hà Nội mạnh dạn đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung hoặc thông qua các Tổng Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu vực phát triển đô thị nhà nước đã thành lập (chuẩn bị quỹ đất sạch: đã giải phóng mặt bằng và có đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho toàn bộ khu vực phát triển đô thị xác định) bằng các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn huy động từ các chủ đầu tư trong khu vực phát triển đô thị đã được chọn và các nguồn vốn hợp pháp khác mục đích để tạo ra giá trị kinh tế đất (đất đã đầu tư hạ tầng).
“Từ đó suất đầu tư cụ thể cho từng m2 đất đã có hạ tầng. Đồng nghĩa, các chủ đầu tư được chọn nộp cho nhà nước phần kinh phí sử dụng đất có hạ tầng tùy theo quy mô dự án được giao tạo ra nguồn thu lớn cho nhà nước tiếp tục đầu tư cho các khu vực phát triển đô thị khác theo đúng quy hoạch, chương trình và kế hoạch phát triển đô thị đã được duyệt.” – ông Chiến khuyến nghị.
Được biết, UBND TP Hà Nội vừa phát đi thông tin đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp để lập đề án xây dựng huyện Đông Anh lên quận vào năm 2020. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh không linh động bất cứ dự án nào đầu tư theo kiểu phong trào, không xuất phát từ nhu cầu và nguồn lực thực có của khu vực, dẫn đến lãng phí đất đai, mất cân đối cung cầu, thiếu kết nối hạ tầng nguy cơ phát triển không bền vững.
Theo định hướng Quy hoạch chung được duyệt, khu vực phía Bắc sông Hồng gồm: Khu vực Mê Linh – Đông Anh – Long Biên là địa bàn phát triển mới, hình thành các khu đô thị mới hiện đại và được xác định trong kế hoạch xây dựng đợt đầu của Thủ đô bởi lợi thế về vị trí, đất đai, cơ sở hạ tầng. Dự báo đến năm 2030, phía Bắc sông Hồng khoảng 1,7 triệu dân, Phía Nam sông Hồng ngưỡng 2,9 triệu dân. Trong đó có nội đô lịch sử (4 quận nội thành cũ xấp xỉ 80 vạn dân).