Đại sứ Nga tại Liên Hiệp quốc Vladimir Safronkov giơ tay bỏ phiếu chống bản dự thảo Nghị quyết về Syria của Hội đồng Bảo an LHQ. |
Chưa thể hàn gắn
Dự thảo Nghị quyết của LHQ được Anh, Pháp và Mỹ giành được 10 phiếu ủng hộ, trong đó Nga và Bolivia bỏ phiếu chống, còn Trung Quốc, Kazakhstan và Ethiopia bỏ phiếu trắng. Thông thường, Trung Quốc hay bỏ phiếu giống Nga tại LHQ nên giới quan sát nhận định, động thái này phản ánh sự thay đổi đáng kể của chính quyền Bắc Kinh, nhất là sau chuyến thăm gần đây tới Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Việc Nga phủ quyết Nghị quyết của LHQ diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang có chuyến thăm Nga. Chỉ vài tuần trước, chuyến thăm của ông Rex Tillerson còn được coi như phép thử đối với những cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề cải thiện quan hệ với Nga. Tuy nhiên, những diễn biến dồn dập trên chiến trường Syria - đồng minh thân cận của Nga, với đỉnh điểm là cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào căn cứ không quân Syria khiến các nhà ngoại giao phải chuyển hướng, tìm cách làm cho mối quan hệ hai nước không xấu đi.
Trong cuộc hội đàm Nga - Mỹ, ông Tillerson cho rằng, các cuộc hội đàm tại Nga lần này là cơ hội để hiểu hơn về mẫu thuẫn giữa hai nước cũng như bàn về giải pháp trong vấn đề này. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga đã đề cập vụ Mỹ tấn công tên lửa tại Syria hồi tuần trước và cho rằng đây là một hành động vi phạm các chuẩn mực quốc tế, đồng thời nhấn mạnh nước Mỹ không nên tiến hành một hành động quân sự tương tự tại Syria. Những nỗ lực hàn gắn còn chưa bắt đầu, căng thẳng mới đã phát sinh cho thấy, dường như cố gắng của ông Trump trong việc cải thiện mối quan hệ với Nga đã bắt đầu phai mờ. Không quá kỳ vọng vào chuyến thăm Nga đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ, song dư luận hy vọng, đây sẽ là cơ hội để Nga - Mỹ có thể giảm bớt thế đối đầu. Đồng thời, phần nào trả lời cho câu hỏi về triển vọng quan hệ giữa Nga - Mỹ sẽ ra sao trong 4 năm tới.
Giá dầu nhích tăng
Giá dầu đã tăng sau khi Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình vào sân bay Shayrat ở Syria và căn cứ quân sự gần đó của quân đội Chính phủ Syria do lo ngại sự việc sẽ thổi bùng căng thẳng tại khu vực. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 tăng 1USD lên mức 52,7USD/thùng tại thị trường New York. Mặc dù không có những rủi ro lớn trong sản xuất ngắn hạn và Syria không phải nước khai thác dầu lớn, nhưng những căng thẳng mới giữa Nga và các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh có thể gia tăng và làm gián đoạn hợp tác trong tương lai về chính sách dầu mỏ.
Đặc biệt, tình hình tại Trung Đông đang có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới như Nga, Mỹ, Iran..., nên chỉ cần một diễn biến nhỏ tại khu vực cũng khiến thị trường năng lượng trở nên nhạy cảm hơn. Bản thân Syria dù không phải nước khai thác dầu lớn nhưng do nước này nằm gần eo biển Hormuz - trạm trung chuyển quan trọng với hàng triệu thùng dầu đi qua mỗi ngày, nên nếu xung đột ở Syria gia tăng sẽ khiến hoạt động vận chuyển dầu bị ảnh hưởng và khiến giá dầu tăng cao.