Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất động sản “ngủ đông” “trông” quy hoạch Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mọi giao dịch trên thị trường bất động sản (BĐS) hiện đều ảm đạm, đìu hiu, nhưng các chủ đầu tư quyết không hạ giá bởi họ đang kỳ vọng vào những quyết định cuối cùng của Chính phủ cho bản quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030, nhất là trục Hồ Tây - Ba Vì liệu có tồn tại?

KTĐT - Mọi giao dịch trên thị trường bất động sản (BĐS) hiện đều ảm đạm, đìu hiu, nhưng các chủ đầu tư quyết không hạ giá bởi họ đang kỳ vọng vào những quyết định cuối cùng của Chính phủ cho bản quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030, nhất là trục Hồ Tây - Ba Vì liệu có tồn tại?

Cung tăng nhưng giá không giảm

Cả CBRE Việt Nam và Savills Việt Nam đều nhận định, quý 4.2010 nguồn cung trên thị trường Hà Nội đều tăng. CBRE dự kiến sẽ có thêm khoảng 3.000 căn hộ vào quý 4 này, nâng tổng nguồn cung của năm 2010 lên 16.000 căn. Cùng với đó, nhà thu nhập thấp đang mùa nở rộ trong thời gian gần đây cũng sẽ thêm nguồn cung lớn về nhà ở cho Hà Nội.

Công ty nghiên cứu và tư vấn Savills Việt Nam dự kiến trong trung hạn có 61 dự án phát triển biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội. Hầu hết các các biệt thự và nhà liền kề sẽ được tập trung ở các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên, Từ Liêm và khu vực Láng Hòa Lạc chiếm khoảng 85% tổng số dự án trong tương lai.

Mặc dù hai tháng gần đây thị trường giao dịch trầm lắng nhưng giá nhà đất lại không hề giảm. Hiện, quận Cầu Giấy có giá chào cao nhất trên thị trường biệt thự và nhà liền kề. Biệt thự có giá lên tới 7.700USD/m2 trong khi giá của nhà liền kề vào khoảng 7.500USD/m2. Theo sau là các quận Tây Hồ, Từ Liêm và Thanh Xuân với mức giá hơn 5.000 USD/m2. Quận Thanh Trì và Gia Lâm vẫn giữ nguyên mức giá thấp nhất, khoảng 2.000 USD/m2.

Tuy gắn việc sụt giảm của thị trường với Nghị định 71/CP nhưng các chuyên gia của CBRE cũng nhìn nhận, văn bản này có hiệu lực đã có những tác động tích cực lên thị trường như tăng cường tính minh bạch, gây sức ép lên chủ đầu tư thiếu khả năng tài chính, giảm nguy cơ bong bóng giá và giảm hiệu ứng đầu cơ. Vì vậy, thị trường nhà ở sẽ có triển vọng phát triển tốt trong tương lai.

“Trông” quy hoạch Hà Nội mở rộng

Những tưởng sau khi một số tuyến đường được thông tuyến như Lê Văn Lương kéo dài, đường 32, Đại Lộ Thăng Long… sẽ khiến thị trường BĐS Hà Nội  khởi sắc. Thế nhưng, nhìn chung mọi giao dịch vẫn đìu hiu, chỉ biến động trong phạm vi nhỏ hẹp.

Đó là các khu vực dọc trục đường Lê Văn Lương kéo dài thuộc quận Hà Đông  có chút biến động về giá. Đất liền kề diện tích nhỏ (80m2/lô) thuộc dự án Geleximco hiện tại đã lên 39-40 triệu/m2. Giá đất chào bán liền kề và biệt thự tại Văn Khê đang tăng từ 1-2 triệu đồng/m2. Khu đô thị mới Văn Phú, giá đất đang tăng khoảng 1 triệu đồng m2, rơi vào khoảng 45 – 55 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí.

Còn lại các khu đô thị lớn dọc đường Lê Trọng Tấn, Đại lộ Thăng Long, đường 32 ở các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng  giao dịch vẫn kém sôi động, giá vẫn đứng.

Từ nay đến hết năm 2010, cơ hội khởi sắc cho thị trường BĐS được các chuyên gia dự báo chỉ còn trông vào quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2015. Đặc biệt, số phận trục Hồ Tây -  Ba Vì cũng đã ảnh hưởng đến cơn sốt đất cục bộ ở phía Tây Hà Nội. Mới đây, khi Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quy hoạch và vẫn bảo lưu ý kiến cần xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì khiến dư luận đang rất quan tâm và mong đợi quyết định cuối cùng của Chính phủ về vấn đề này.

Như vậy, có thể nói khi quy hoạch chung được phê duyệt sẽ tạo ra “cú hích” cho thị trường BĐS khi nhiều dự án phù hợp với các tiêu chí quy hoạch của Hà Nội mới sẽ được cấp phép, triển khai trở lại. Điều này sẽ khiến nguồn cung dồi dào hơn, giá cả sẽ hạ nhiệt hơn và có cơ hội trở về với giá trị thực đồng thời cũng thêm cơ hội cho những người dân có thu nhập hạn hẹp thực sự có nhu cầu cần mua nhà.