Bất động sản được “giải cứu”
Sau khi Bộ Tài chính có Tờ trình 47/TTr-BTC ngày 26/3 trình Chính phủ về các đối tượng, ngành nghề được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đã có nhiều ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và địa phương về việc bổ sung thêm một số ngành nghề trong trong danh mục này. Mới đây, Bộ này đã có văn bản trình Chính phủ bổ sung 4 đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất.
BĐS được Bộ Tài chính bổ sung vào danh sách các ngành nghề được hỗ trợ trong đại dịch Covid-19 (Ảnh: Doãn Thành). |
Cụ thể, bổ sung một số ngành sản xuất: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng;
Bổ sung một số hoạt động kinh doanh vào đối tượng được gia hạn: Hoạt động kinh doanh BĐS; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động vui chơi giải trí;
Bổ sung DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm;
Bổ sung tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là DN, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của NHNN và giao NHNN công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng.
Dự kiến với những bổ sung trên, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng, tức tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 47/TTr-BTC.
Cơ hội để thanh lọc thị trường
Theo Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyên Văn Đính, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ngày càng ảnh hưởng nặng nền lên thị trường BĐS, khiến cho các hoạt động rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Nhưng đây cũng là một khoảng thời gian cần thiết giúp các DN BĐS thực hiện tái cấu trúc DN, trong đó việc vận hành bộ máy, nhân sự và các phương án kinh doanh sẽ phải tinh gọn; cùng với đó là việc đẩy mạnh công nghệ hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, vừa tăng chất lượng vừa giảm giá thành sản phẩm.
"Nhưng điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là sẽ giúp cho thị trường được thanh lọc, những DN có đủ tiềm lực sẽ trụ lại được, còn những nhà đầu tư không đủ năng lực sẽ bị đào thải” - ông Đính nhìn nhận.
Đồng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Trần Quốc Việt cho rằng, thị trường BĐS hàng năm đóng góp khoảng 30% thu nhập của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn thị trường BĐS lại có gắn kết với nhiều ngành nghề khác, để tạo ra giá trị gia tăng. Việc Chính phủ quan tâm tới thị trường BĐS trong giai đoạn này khiến cho các DN có thêm động lực để vượt qua khó khăn, nếu để BĐS chìm vào khủng hoảng thì kinh tế sẽ bị giảm sút.
“Nhưng qua bối cảnh như thế này thì các DN cũng cần phải có sự điều chỉnh lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh với mục tiêu giảm giá thành sản phẩm để hỗ trợ người dân có thu nhập thấp có nhu cầu sở hữu BĐS. Không nên chỉ vì quyền lợi của DN lúc khó khăn thì kêu gọi trợ giúp, nhưng lúc ổn định rồi thì mọi gánh nặng về chi phí sản xuất, lợi nhuận... lại đẩy sang người dân thông qua hình thức tăng giá bán” - ông Việt nhìn nhận.
Tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm. Giao dịch: 7.641 sản phẩm (Tỷ lệ hấp thụ: 14,3%). Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. |