Doanh nghiệp kêu tăng giá
Tại thị trường Hà Nội, hàng loạt các dự án bất động sản hiện đang có kế hoạch tăng giá. Điển hình như dự án Hòa Bình Green City (tại 505 Minh Khai, Hà Nội), chủ đầu tư dự kiến tăng 10% từ ngày 15/3. Tổng công ty Viglacera cho biết sau ngày 30/3 sẽ tính toán điều chỉnh giá bán khoảng 100 căn hộ dự án Thang Long Number One lên ít nhất khoảng 3-5% tùy theo biến động của thị trường. Hay dự án Golden West tại Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính cũng tăng khoảng 5% trong đợt mở bán mới đây.
Lý giải việc tăng mạnh giá bán căn hộ tại thời điểm này, các chủ đầu tư cho rằng, nếu tiếp tục bán căn hộ với mức giá cũ, công ty không có lãi, mà giá trị căn hộ vẫn ngày một tăng do phải cộng thêm các khoản chi phí.
Ảnh minh họa.
|
Một số thành viên thị trường cho rằng, thị trường chung cư tăng giá chủ yếu do cách tính diện tích căn hộ theo phương pháp mới. Theo Thông tư 03 của Bộ Xây dựng quy định, từ ngày 8/4, diện tích căn hộ sẽ được tính theo kích thước thông thủy (không bao gồm tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột hay hộp kỹ thuật nằm bên trong nhà). Cách tính này khiến diện tích bán căn hộ có thể bị giảm khoảng 3-4%, do đó chủ đầu tư sẽ tăng giá bán trên mỗi m2 để đảm bảo lợi nhuận thu về.
Tuy nhiên, nhận định về chu kỳ tăng giá này nhiều người cho rằng chỉ xảy ra cục bộ ở một số khu vực có nhiều dự án tốt được triển khai, đa phần là ở các khu trung tâm. Còn tình hình chung trên thị trường vẫn chưa thực sự khởi sắc trở lại.
Thêm vào đó, lượng tồn kho bất động sản quá lớn, tính đến cuối tháng 2/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản khoảng 92.690 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 19.210 căn, tương đương 28.582 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng hiện ở mức 13.516 căn, tương đương 24.029 tỷ đồng. Tồn kho đất nền nhà ở là 9.119.001 m2, tương đương 33.880 tỷ đồng; đất nền thương mại hiện là 2.001.904 m2, tương đương 6.198 tỷ đồng.
“Giữ nguyên giá hiện nay thì cần ít nhất 5 năm mới xả hết số hàng tồn kho. Từ nay đến 2015, một lượng lớn căn hộ chung cư hoàn thiện sẽ lao ra bán cắt lỗ trên thị trường nên giá chưa thể tăng được” - một khách hàng cho biết.
Bình tĩnh trước khi “xuống tiền”
Mới đây, gói tín dụng trị giá 50.000 tỷ đồng được Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh công bố được coi là “phao cứu sinh” cứu thị trường BĐS.
Theo như giải thích của VNCB thì gói tín dụng này sẽ hỗ trợ thị trường địa ốc theo mô hình liên kết “4 nhà”, đại khái là các ngân hàng sẽ “bắt tay” với nhà cung cấp vật liệu để hỗ trợ các dự án bất động sản thiếu vốn nhưng đảm bảo được đầu ra để hoàn thành đúng tiến độ, giải phóng hàng tồn và việc tập trung đầu mối cung cấp vật liệu qua sàn, theo kiểu bán buôn sẽ giúp giảm suất đấu tư cho dự án, hạ giá bán căn hộ.
Theo VNCB thì ngoài gói 50.000 tỷ mà VNCB, BIDV, Agribank, VCB, Vietinbank cam kết tham gia, 7 ngân hàng khác cũng đã đăng ký gói tín dụng trị giá 70.000 tỷ đồng cho bất động sản. Nghe qua thì hoành tráng, song ngay lập tức nhiều chuyên gia kinh tế đã tỏ ý nghi ngờ về quy mô gói vốn khủng.
Theo các chuyên gia, liên kết 4 nhà mà VNCB công bố thực chất chỉ là nghiệp vụ quản lý dòng tiền của các ngân hàng đã làm từ nhiều năm trước nên không có gì mới, thậm chí đó chỉ là thủ thuật để lăng xê, khuếch trương. Hiện nợ xấu bất động sản vẫn còn lớn thì liệu việc bơm thêm tiền có kiểm soát được?.
Các chuyên gia BĐS cho rằng, thị trường kinh tế Việt Nam vẫn đang rất khó khăn và giá nhà vẫn còn cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Trong thời điểm này, người dân thật bình tĩnh và tính toán thật kỹ trước khi quyết định xuống tiền.