Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất ngờ "quay xe", chứng khoán Việt bật mạnh sau phiên thủng đáy

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán sáng 25/10 là một phiên giao dịch đầy cảm xúc với nhà đầu tư, khi bắt đầu phiên đầy u ám và bất ngờ chuyển xanh sau 10 giờ sáng.

Bảng điện tử sáng 27/10 tràn ngập sắc xanh, tím
Bảng điện tử sáng 27/10 tràn ngập sắc xanh, tím

Bắt đầu phiên giao dịch, thị trường đã chứng kiến cảnh ''đỏ lửa''. Có thời điểm VN-Index giảm gần 20 điểm. Điều đáng nói, dù đã ở mốc khá sâu nhưng dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường. Tới 10 giờ 30 chỉ có 3.700 tỷ rót vào HOSE. Ở sàn HNX con số này là 360 tỷ.

Tuy nhiên, đến gần 11 giờ, dòng tiền bắt đầu vào nhập cuộc, hàng loạt cổ phiếu bất ngờ chuyển từ đỏ sang xanh, thậm chí có mã chuyển tím.

Chốt phiên sáng 25/10, VN-Index tăng 11,55 điểm lên mốc 997,7 điểm. HNX-Index giảm 0,25 điểm về mốc 209,26 điểm. Upcom-Index giảm 0,29 điểm về mốc 76,16 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 7.665 tỷ đồng, đương đương gần 500 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Tuy nhiên, đây vẫn là hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” khi lực kéo đến từ nhóm cổ phiếu trụ. BID, CTG và VNM là những mã tác động tích cực nhất lên thị trường khi mang lại cho VN-Index gần 6 điểm.

Nhóm ngân hàng ngập tràn sắc xanh, thậm chí BID, SHB tăng kịch trần đóng cửa trong sắc tím.

Ở chiều ngược lại, cặp đôi cổ phiếu họ Vin là VHM và VIC vẫn là ''tội đồ'' khi tác động tiêu cực nhất lên thị trường.

Dù thị trường kết phiên trong sắc xanh nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo lắng và đứng ngoài quan sát. Bởi lẽ vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực tác động lên thị trường.

Đáng chú ý, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành và áp dụng từ ngày 25/10. Theo đó, tiếp tục nâng cả trần lãi suất huy động và cho vay thêm 1% so với mức cũ. Như vậy trong vòng 1 tháng, NHNN đã 2 lần tăng lãi suất điều hành. 

Theo nhiều chuyên gia, đây có thể là một nguyên nhân tác động tới thị trường chứng khoán trong thời gian tới, nhất là khi niềm tin của nhà đầu tư đã lung lay. Bởi lẽ, khi lãi suất tăng lên thì chi phí cơ hội của việc đầu tư cũng sẽ tăng lên, và các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi bỏ tiền vào những kênh rủi ro, điều đó làm giảm dòng tiền đầu tư.

Còn về phía doanh nghiệp, lãi suất tăng khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên và làm giảm lợi nhuận. Điều này khiến các doanh nghiệp cũng sẽ phải cân nhắc nhiều hơn khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Về tổng thể, môi trường lãi suất cao sẽ thanh lọc thị trường và chỉ những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả cao mới trụ vững và phát triển.